Dự án đa dạng hóa nông nghiệp triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào năm 2000 và kết thúc vào năm 2006. Theo đó, dự án đã hỗ trợ nhân dân trồng 5.135 ha cao su tiểu điền. Gia Lai được xếp thứ hai trong 12 tỉnh, thành hưởng lợi từ dự án và nằm trong danh sách 8 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên được chọn triển khai bước 2 của dự án với tên gọi dự án cạnh tranh nông nghiệp giai đoạn 2009-2013 do Bộ Nông nghiệp và PTNT giữ vai trò chủ quản. Tổng vốn đầu tư của dự án là 75 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 59,8 triệu USD, vốn đối ứng 2,3 triệu USD và vốn khác 12,9 triệu USD.
Từ cơ cấu nguồn vốn đầu tư trên, Gia Lai được phân bổ 8 triệu USD để triển khai thực hiện dự án. Ông Nguyễn Trường- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ hy vọng dự án thực thi sẽ góp phần khắc phục những khó khăn làm đòn bẩy thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện phát triển mạnh theo hướng hàng hóa.
Đưa cơ giới vào đồng ruộng. Ảnh: Đ.T |
Dự án nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của nông dân thông qua việc cung cấp, ứng dụng các công nghệ sản xuất mới; tổ chức lại các tổ nhóm sản xuất của nông dân và liên kết với các doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất.
Quy trình đầu tư trên được dự án cụ thể hóa bằng 4 hợp phần chính là tăng cường công nghệ sinh học, hỗ trợ liên minh sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và quản lý dự án. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lịnh- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Xét về tiến độ thì tỉnh ta triển khai chậm hơn các tỉnh, thành khác. Lý do chậm vì WB chọn một số địa phương thực hiện thử nghiệm trước khi triển khai đại trà. Đến thời điểm này, tỉnh đã thành lập xong Ban Quản lý dự án, triển khai khảo sát thực tế tại các địa phương và đã hoàn thành đủ số lượng từ 15 đến 20 tiểu dự án thuộc 4 hợp phần cơ bản của dự án theo quy định gửi về Ban Quản lý dự án trung ương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc triển khai dự án gặp một số khó khăn. Đầu tiên là thời gian phê duyệt dự án quá dài. Theo quy trình, Ban Quản lý dự án tỉnh làm dự án gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chuyển đến Ban quản lý dự án trung ương tổng hợp gửi WB. Tiếp đến, WB xem xét cho ý kiến đồng ý chuyển về tỉnh xem xét quyết định thực hiện thì dự án mới được triển khai.
Để rút ngắn thời gian phê duyệt, cần có cơ chế phân cấp việc phê duyệt kế hoạch và dự án. Theo đó, tỉnh phê duyệt các dự án, kế hoạch lớn mang tính tổng thể, còn các dự án, chương trình đầu tư nhỏ nên giao thẩm quyền xem xét, thẩm định phê duyệt cho các sở, ngành liên quan. Gắn với việc tổ chức thực hiện dự án, rất cần con người có năng lực chuyên môn. Dự án cạnh tranh nông nghiệp thuộc nhóm dự án không được gia hạn thời gian, lương lại thấp nên tuyển người vào làm việc rất khó khăn.
Cùng với khó khăn trên, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp để thực hiện hợp phần trọng tâm của dự án cạnh tranh nông nghiệp là hỗ trợ liên minh sản xuất đang là vấn đề khó. Theo lý giải của ông Lịnh, hợp phần hỗ trợ liên minh sản xuất là xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, tự nguyện trong sản xuất hàng hóa giữa tổ chức nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để thực hiện hợp phần này, vốn của dự án chỉ đầu tư 60% tổng kinh phí thực hiện, 40% vốn đầu tư còn lại do liên minh giữa doanh nghiệp, tổ chức nông dân góp để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông, thủy lợi cống thoát nước, chợ và một số chương trình khác.
Huy động nguồn vốn liên minh này, Ban Quản lý dự án đã mời gọi rộng rãi, song đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề bỏ vốn liên minh. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải sự thờ ơ của các doanh nghiệp, song có lẽ nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp chưa thấy lợi ích của mình. Do vậy, để dự án được triển khai thuận lợi, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, mang lại nguồn lợi cho nhân dân, rất cần sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nhất là việc kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn tham gia dự án.
Quang Văn