Ở thị trấn Bắc Hà, Lào Cai, ai cũng biết đến đội xe ôm đặc biệt mà anh Phạm Xuân An làm trưởng nhóm. Không chỉ mang nhiệm vụ chở khách đi các nơi, các thành viên trong đội còn kiêm nhiệm luôn việc làm hướng dẫn viên du lịch, kể cho du khách nghe những câu chuyện về quê hương mình, những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở đây.
|
Đội xe đưa nhóm phóng viên báo chí, truyền thông đến làng dệt vải của người La Chí ở Nậm Khánh (Bắc Hà, Lào Cai). |
Được hình thành tự phát từ cách đây vài năm, ban đầu xuất phát từ ý tưởng mong muốn có một đội xe ôm chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa bản địa để cung cấp thông tin cho khách khi cần, đến nay đội xe ôm đã có đến 25 thành viên, đứng đầu là anh Phạm Xuân An, một lái xe bản địa ham tìm hiểu văn hóa các dân tộc vùng cao. Tiêu chí của đội ban đầu chỉ là lái xe an toàn, nói chuyện với khách lịch sự và có thêm am hiểu, nắm được thông tin về các sự kiện văn hóa, du lịch, cũng như nắm được kiến thức về phong tục, tập quán của một số dân tộc trên địa bàn. “Ban đầu nhóm gồm các anh em rất nhiệt tình, có chuyên môn về xe, có một chút chuyên môn về du lịch, am hiểu văn hóa bản địa, cách nói chuyện, hướng dẫn cho khách ngồi sau xe cảm nhận được sự phong phú của du lịch Bắc Hà” - anh Phạm Xuân An chia sẻ.
|
Trên một cung đường. |
Thông thường, những điểm đến của du khách khi “đặt hàng” đội xe ôm phần lớn là các điểm phổ biến ở Bắc Hà, như các vườn mận mỗi khi vào mùa hoa, mùa quả, dinh Hoàng A Tưởng, chợ phiên Bắc Hà… Nếu du khách ham tìm hiểu văn hóa bản địa, nghề thủ công truyền thống thì đến thôn làm cốm Na Lo, thôn bánh chưng Na Kim, thôn làm nón ở Bản Liền, thôn làm rượu Hồng mi ở Bản Phố… Thậm chí, có những chuyến đi, đội xe ôm còn chở khách đi tới cả trăm km, đến vùng quế Nậm Đét, đi tham quan nghề dệt truyền thống của người La Chí (Nậm Khánh)…
|
Các thành viên đội xe ôm đưa du khách đến bản của người La Chí ở Nậm Khánh. |
Anh Phạm Xuân An cho biết, trước mỗi chuyến đi như vậy, nhóm đều tìm hiểu kỹ thông tin từ người dân bản địa. “Chúng tôi tìm hiểu thông tin và tìm đến địa điểm có làng nghề, phong tục tập quán hoặc nét đẹp văn hóa truyền thống của họ trước, tìm hiểu từ người dân địa phương. Từ những chuyến đi trải nghiệm, khám phá ban đầu, chúng tôi đã đặt các mối quan hệ với người dân địa phương, làm quen với những người có uy tín trong cộng đồng để mỗi khi du khách có nhu cầu, chúng tôi lại đưa khách đến với họ, hoặc báo cho họ chuẩn bị trước để phục vụ khách. Với người dân bản địa, chân thành là nền tảng tốt nhất để trở nên quen thân với họ” - anh Phạm Xuân An cho biết.
Chính từ đó, cho đến nay, ngoài vai trò chở khách, các thành viên trong đội xe ôm còn có nhiệm vụ kết nối giữa nhu cầu được trải nghiệm của khách với người dân bản địa có các sự kiện, lễ hội. Khi đoàn khách muốn trải nghiệm một lễ hội hoặc phong tục nào đó của người dân tộc, đội sẽ liên hệ trước với người dân địa phương, nếu không đúng mùa hoặc không đúng dịp, họ có thể sẽ tái hiện lại sự kiện đó. “Thí dụ đang mùa lúa, khách muốn gặt lúa hoặc dự lễ cúng cơm mới, chúng tôi có thể liên hệ, sắp xếp để khách được trải nghiệm” - anh Phạm Xuân An chia sẻ.
|
Đưa khách tham quan một ngọn thác không tên trên đường đi. |
Đội xe ôm gắn kết với nhau từ năm 2019, nhưng đến đầu năm 2021, đội mới chính thức ra mắt. Đó là vì trong năm 2020, đội được Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn CRED hỗ trợ về nghiệp vụ, đồng phục và một số kiến thức, đồng thời tập huấn kỹ năng sơ cứu, trả đón khách…
Xuất phát chỉ từ vài thành viên, đến nay đã có 25 người tham gia đội xe ôm du lịch Bắc Hà. Hiện tại, đội vẫn đang mở rộng đón thêm các thành viên mới. “Chúng tôi có những tiêu chuẩn riêng, không chỉ lái xe an toàn, cư xử với khách văn minh lịch sự, mà còn phải am hiểu văn hóa của ít nhất 1-2 dân tộc trên địa bàn, hoặc nắm bắt địa điểm cụ thể của mỗi vùng, thí dụ như mùa lúa chín thì có thể tham quan những nơi nào vào lúc nào…” - một thành viên của đội chia sẻ. Ngoài ra, việc giữ gìn, bảo vệ môi trường mọi lúc mọi nơi cũng đều được anh em trong đội nhắc nhở nhau luôn thực hiện.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập của các thành viên trong đội xe ôm du lịch Bắc Hà khá ổn định, với phần lớn là khách du lịch nước ngoài muốn rong ruổi tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống Bắc Hà. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phong tỏa, giãn cách, công việc và thu nhập của đội xe ôm giảm đi nhiều. Nhưng đây lại là cơ hội để họ bổ sung thêm kiến thức, tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người dân bản địa, đặt thêm nhiều mối quan hệ mới, sẵn sàng chuẩn bị cho việc đón khách khi dịch bệnh giảm bớt. "Kiến thức được tập huấn chỉ là xương sống, chúng tôi phải tiếp tục bổ sung thêm những hiểu biết và kỹ năng của mình cho ngày càng hoàn thiện" - một thành viên của đội chia sẻ.
Đội xe ôm du lịch, cùng với rất nhiều chủ thể du lịch khác ở Bắc Hà, đang là minh chứng cho sự thay đổi về tư duy, nhận thức, cùng góp phần xây dựng du lịch sâu rễ bền gốc, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương mình.
TUYẾT LOAN (NDĐT)