Đời tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tre có mặt trên khắp nẻo làng quê Việt Nam. Tre thân thuộc, gắn bó với con người qua bao mùa mưa nắng. Đời tre cũng như đời người, tuổi trẻ sung sức cống hiến bao lợi ích, tuổi già héo úa nhưng không ngừng chắt chiu sự sống trao truyền cho những mầm măng.
Ngôi làng nơi tôi dạy học có rất nhiều tre. Những bụi tre rải dọc bờ sông Ba. Có lẽ từ xưa, người dân nơi đây trồng chúng để giữ đất, làm hàng rào tự nhiên ngăn con nước lấn bờ. Mươi năm về trước, thuở chưa có cây cầu gỗ, cũng chưa có cầu dân sinh bằng xi măng vững chắc như bây giờ, chúng tôi đi đò sang sông dạy học. Mà bến đò lại nằm ngay dưới một bụi tre. Quả là nơi đợi đò lý tưởng cho những buổi trưa đỏ nắng của vùng “chảo lửa” Krông Pa. Những lúc phải chờ đò, chúng tôi thường túm tụm ngồi dưới bóng tre mát rượi kể nhau nghe bao câu chuyện cuộc sống. Có lúc chờ đợi mệt mỏi quá, tôi tìm cho mình vài cây tre vững chãi mà tựa vào, trên cao ríu rít tiếng hót của bao loài chim. Nghe tiếng lá khẽ thầm thì và ngắm nhìn trời xanh qua mắt lá. Lòng như vơi bớt đi những lo toan của cuộc sống thường nhật.
Quê tôi một năm hai mùa nắng lửa, mưa dầm. Nắng gay gắt suốt sáu tháng trời khiến những bụi tre xác xơ, tưởng như không còn sự sống. Thế mà khi mùa mưa đến, màu lá xanh dịu dàng lại về trên những thân tre cũ. Tre già nở hoa. Cũng là từ bụi tre bên bờ sông Ba, nơi đầu cây cầu gỗ thay thế cho con đò năm nào. Mỗi lần đi trên chiếc cầu này, tôi thường bước thật chậm để hưởng chút không gian mát dịu từ bóng tre. Có lúc chạy xe lên đầu dốc, tôi dừng ở đó rồi thả bộ xuống chân cầu, lưu lại cho mình những thời khắc đẹp của tre. Trong màn hình ngược sáng, sắc tre xanh thẫm đan cài ngang dọc trên nền bông mây trắng. Những cành tre vươn cao rồi thả xuống từng chuỗi hoa li ti xếp đều bên nhau màu vàng ngà xinh xắn, bên dòng sông con nước đầy vơi. Một thời gian sau đó, những chiếc lá tre xanh non xuất hiện, thuôn dài như những chiếc bút lông viết xuống mặt cầu bao bài thơ về thiên nhiên tươi đẹp. Mùa hoa tre kéo dài mấy tháng trời thỏa mãn niềm yêu mến trong tôi.
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Dưới gốc tre già, những búp măng non lại mọc lên mơn mởn. Vào mùa, măng quê tôi nhiều vô kể. Dân làng rủ nhau đi hái măng. Vừa có thêm thực phẩm cho bữa cơm gia đình, còn nếu dư nhiều thì đem bán. Măng hái tại chỗ, lột bỏ lớp vỏ giáp dày, chỉ lấy phần mụt non bên trong nên rất ngon. Những phiên chợ sáng, người dân ngồi bán măng hàng dãy dài, vàng ươm bên lối đi. Chị hàng xóm của tôi năm nào cũng phơi cả mấy tạ măng gửi tặng họ hàng ngoài Bắc ăn Tết. Món quà đơn giản trở nên trân quý bởi đó là sản phẩm sạch từ núi rừng.
Ngày qua ngày, con đường tôi đi không về ngang lối cũ. Những bụi tre vẫn còn đó giữ đất, giữ làng nhưng bụi tre bên cầu thì không còn nữa. Người ta nói, tre nở hoa một lần rồi chết. Lúc ấy, tôi cũng bán tín bán nghi. Nhưng qua kiểm nghiệm thì điều đó là có thật. Âu đó cũng là quy luật của tạo hóa, những thân tre già kết thúc sứ mệnh để nhường chỗ cho những búp măng kia vươn mình vút cao như tháp bút chọc trời.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.