(GLO)- Những căn nhà xây kiên cố, máy cày, xe máy đời mới, hàng trăm ha cây cao su sắp cho thu hoạch… Đó là tài sản mà trước đây người dân làng Djrông, xã A Dơk (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) có mơ cũng chưa từng nghĩ đến. Sự đổi thay của bà con nơi đây đã làm ngỡ ngàng những ai từng ghé thăm.
Với 99% hộ dân người Bahnar, trước năm 2000, làng Djrông là một trong những địa phương nghèo nhất huyện Đak Đoa. Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, mà nhận thức của bà con nơi đây vẫn còn rất hạn chế. Trẻ con không được đến trường, người lớn bỏ bê làm ăn, cả tin theo lời FULRO, công khai chống đối chính quyền…
Anh Krứp bên vườn cao su của mình. Ảnh: Nguyễn Tú |
Từng vượt biên sang Campuchia mong tìm đến nơi gọi là “miền đất hứa” theo lời FULRO, gia đình chị Doih của làng Djrông lâm cảnh màn trời chiếu đất, đói rét, cơ cực. Thấm thía cảnh khốn khó đó, nhận ra lỗi lầm, gia đình chị đã quyết phải trở về làng xưa. Được chính quyền cảm hóa và bà con giúp đỡ, gia đình chị Doih đã lên nương làm rẫy. Kể từ đó, cả gia đình chị chú tâm làm ăn, tin vào chính quyền, tránh xa kẻ xấu.
Năm 2001, hàng chục ha cao su của Nông trường Tân Lập (Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang) bước vào thời kỳ thu hoạch. Để tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con làng Djrông, lãnh đạo công ty cùng với chính quyền xã A Dơk đã vận động dân làng vào làm công nhân cao su. Do tập quán sinh sống, sản xuất lạc hậu lâu đời của người dân Djrông nên trong thời gian đầu chỉ có một số thanh niên chịu vào làm cho công ty cao su. Tuy nhiên, nhìn thấy số thu nhập khấm khá của những công nhân này, sau đó nhiều bà con dân làng đã xin vào làm. Cuộc sống của bà con đã bắt đầu đổi thay từ đó.
Với 10 ha cao su tiểu điền, 1 ha cà phê đang cho thu hoạch và 2 sào ruộng nước, gia đình chị Doih cũng đã là một trong những hộ có kinh tế khá giả ở làng. Mỗi năm, gia đình chị cũng có các khoản thu nhập gần trăm triệu đồng, điều mà trước đây chị chưa bao giờ nghĩ tới. Giờ đây, cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo đối với gia đình chị nữa. Chị Doih đã tìm thấy “miền đất hứa” của mình ngay chính nơi chị được sinh và lớn lên. “Người dân làng Djrông giờ đã ấm no rồi. Không ai còn nghe những lời xấu và chân không muốn đi quan biên giới nữa”, chị Doih nói.
Một trong những ngôi nhà khang trang của làng Djrông. Ảnh: Nguyễn Tú |
Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định từ việc làm công nhân, nhiều người dân Djrông đã biết trồng cao su tiểu điền ngay trên đất nhà mình. Krứp cũng là một trong những người làm kinh tế giỏi của làng Djrông. Thu nhập của gia đình anh giờ đây ngoài lương công nhân của hai vợ chồng 10 triệu/tháng, còn có thêm vườn cao su gần 1.000 gốc, theo dự tính sẽ bắt đầu khai thác vào năm sau. Ngoài ra, Krứp còn có thêm 4 ha cà phê đã thu hoạch và 4 sào ruộng lúa nước. Anh cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi giờ khấm khá lắm, muốn mua sắm gì cũng dễ dàng hơn, không sợ nghèo đói nữa”.
Cuộc sống của hơn 155 hộ dân Djrông đã thực sự khởi sắc từ nhiều năm qua, với những ngôi nhà kiên cố, xe máy đời mới, các loại máy cơ giới và bạt ngàn màu xanh của cao su, cà phê, ruộng lúa, trẻ em nô nức đến trường… Chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà khang trang vừa mới mọc lên, ông Uih- Trưởng thôn Djrông nói: “Hiện nay bình quân ở Djrông mỗi gia đình có từ 2-3 ha cao su. Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy đời sống người dân khấm khá, hầu như nhà nào cũng có nhà cao, cửa rộng, mua sắm xe máy, ti vi hạng xịn. Dân làng đã biết thi đua làm kinh tế giỏi, học tập và làm theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết làm cây lúa nước 2 vụ”.
Bức tranh toàn cảnh của làng Djrông giờ đây đã thực sự “thay da đổi thịt”. Nhiều ngôi nhà được xây mới khang trang, hiện đại. Thay vì không khí ảm đạm bởi đói nghèo đeo đẳng bao năm qua, Djrông hôm nay như một bức tranh nông thôn yên bình và tươi sáng. Người dân đang cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Không chỉ sắm sửa trong gia đình mình, người dân còn cùng nhau góp đất để mở rộng các tuyến đường giao thông trong thôn, trong xã.
Những con đường nông thôn chạy dài theo bạt ngàn cao su và cà phê. Lũ trẻ làng Djrông đang cùng nhau xúng xính trong màu áo mới, con đường tới trường của chúng dường như cũng bớt xa xôi hơn… Những thể hiện đó chính nhờ tiềm lực kinh tế của người dân nơi đây đang ngày càng lớn mạnh. Bí thư Đảng ủy xã A Dơk- Y Mưn hồ hởi nói: “Ngày ấy nhờ có sự chung tay góp sức của Báo Gia Lai trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt nên Djrông đã có sự đổi thay kỳ diệu như hôm nay”, (Báo Gia Lai là đơn vị được tỉnh giao trách nhiệm phụ trách xã A Dơk từ giữa năm 2004 đến 2008).
Djrông hôm nay như được tiếp thêm sinh khí mới với bạt ngàn những cao su, cà phê. Chia tay làng Djrông, điều đọng lại trong chúng tôi là những gương mặt đang ánh lên biết bao tia sáng rạng ngời.
Nguyễn Tú- Trần Dung