(GLO)- Ngành Y tế tỉnh Gia Lai hình thành và phát triển gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành (2-3-1950 - 2-3-2015), ngành Y tế Gia Lai đã bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương trong từng giai đoạn lịch sử, triển khai thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Kiểm tra mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện |
Trong hai cuộc kháng chiến đầy khó khăn gian khổ, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, đối diện với bom đạn, cái chết cận kề, đội ngũ cán bộ y tế Gia Lai đã không quản mọi hy sinh, kiên trì bám làng, bám dân, “ba cùng” để vận động quần chúng, chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh, xây dựng đời sống mới. Trong chiến tranh, ngành đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo đường lối, phương châm y học cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện của tỉnh miền núi, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng lớn mạnh, xây dựng mạng lưới cơ sở đều khắp, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho tiền tuyến, làm tốt công tác cứu thương, chăm sóc thương-bệnh binh, phát hiện, dập dịch kịp thời trong các vùng căn cứ, vùng giải phóng.
Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, mỗi thầy thuốc, cán bộ ngành y vừa là “Người mẹ hiền”, vừa là một chiến sĩ thực thụ, kiên cường chiến đấu chống địch để bảo vệ thương-bệnh binh, bảo vệ nhân dân, bảo vệ và giữ gìn thuốc men, máy móc, phương tiện kỹ thuật an toàn. Nhiều thầy thuốc của ngành Y tế Gia Lai đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa thương-bệnh binh dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Những tấm gương hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các thế hệ thầy thuốc tỉnh Gia Lai trong kháng chiến, mãi mãi là niềm tự hào của ngành hôm nay và mai sau.
Phát huy truyền thống trong kháng chiến, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Y tế tỉnh tiếp tục bắt tay vào khôi phục và xây dựng trong giai đoạn cách mạng mới, với những khó khăn thử thách mới. Ngành đã chủ động tập trung khắc phục mọi khó khăn, trong điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng thấp kém, nhân lực thiếu thốn, trang-thiết bị y tế lạc hậu trong khi nhu cầu khám-chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, nhiều dịch bệnh nguy hiểm phát sinh. Vận dụng đường lối y học cách mạng của Đảng vào điều kiện cụ thể của tỉnh, ngành Y tế Gia Lai xác định phương châm hoạt động trong thời kỳ mới là: Tự lực kế thừa, vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết hợp giữa phòng bệnh và chữa bệnh, lấy dự phòng là chính, kết hợp đông tây y, chú trọng phát triển y học cổ truyền. Đi đôi với việc xây dựng mạng lưới y tế, ngành Y tế đã phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh, chống sốt rét rộng rãi và liên tục; vận động nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, gia đình có hố xí, giếng nước, nhà tắm, làm chuồng nhốt gia súc riêng; giảm bỏ các tập tục lạc hậu có hại. Đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở đi vào các buôn làng vừa vận động nhân dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh, vừa tiêm phòng và điều trị bệnh cho nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc và cống hiến to lớn của các thế hệ thầy thuốc qua các thời kỳ, ngành Y tế tỉnh đã đạt được nhiều thành tích to lớn, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Các chỉ tiêu y tế cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao; hệ thống tổ chức bộ máy y tế đã được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở, cho đến nay trong toàn tỉnh đã có 7 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng, 2 chi cục, 17 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 222 xã, phường, thị trấn đều có mạng lưới y tế hoạt động; toàn ngành có 4.412 cán bộ, trong đó có 734 bác sĩ (bác sĩ có trình độ trên đại học là 257 người), 219 dược sĩ (50 dược sĩ đại học, trên đại học 2 dược sĩ). Tỷ lệ bác sĩ đạt 6,85/10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh đạt 22,22/10.000 dân; tỷ lệ bác sĩ công tác tại tuyến xã là 79%; 100% xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi với 2.115 y tế thôn làng.
Hết lòng vì bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện |
Ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia về y tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao; sự phối hợp giữa ngành y tế với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu y tế được tăng cường và chủ động hơn, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức về chăm lo bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai các chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc kết hợp quân-dân y được duy trì và hoạt động có hiệu quả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Công tác khám-chữa bệnh ngày càng tiến bộ, đảm bảo được khả năng khám-chữa bệnh, cấp cứu cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chính sách khám-chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 73,36% trên dân số toàn tỉnh. 100% cơ sở điều trị đã đảm bảo cung ứng thuốc chủ yếu, vật tư tiêu hao trong danh mục quy định của Bộ Y tế.
Các cơ sở khám-chữa bệnh đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, ứng dụng các kỹ thuật, thành tựu y học tiên tiến vào công tác khám-chữa bệnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai nhiều phương tiện, máy móc hiện đại như: CT-Scanner, MRI, máy nội soi, C-ARM, máy chạy thận nhân tạo, máy xét nghiệm đa chức năng..., triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, trước đây chỉ thực hiện ở bệnh viện các tuyến trung ương như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh-cột sống, vi phẫu thuật thần kinh sọ não, góp phần giảm tải cho những bệnh viện tuyến trung ương. Kết hợp có hiệu quả giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám-chữa bệnh; chú trọng phát triển thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam trong khám-chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Các cơ sở khám-chữa bệnh đã tăng cường hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện, lấy bệnh nhân là trung tâm, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, quy chế giao tiếp, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, tai biến trong chuyên môn, hướng tới mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Song song với sự phát triển của hệ thống y tế công, các cơ sở y tế tư nhân cũng đã hình thành và có vai trò tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, triển khai nhiều kỹ thuật cao tại địa phương, đặc biệt là Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai.
Từ những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà qua các thời kỳ, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (2-3-1950 - 2-3-2010), ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, cũng là năm kết thúc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ giai đoạn 1990-2015, nhiệm vụ của ngành Y tế hết sức nặng nề. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống y tế, ngành Y tế phải vừa đẩy mạnh phát triển chuyên sâu vừa tăng cường đổi mới cơ chế hoạt động, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh, tiếp tục phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành, đa ngành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong phát triển sự nghiệp y tế, đặc biệt trong việc triển khai các nhiệm vụ y tế cơ sở. Đổi mới hoạt động truyền thông để tạo sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của người dân về chăm sóc sức khỏe, bên cạnh việc giám sát kiểm tra nhằm ngăn ngừa hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tiếp tục tôn vinh những người thầy thuốc tận tình với công việc, với người bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý cương quyết những hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm với người bệnh để các cán bộ y tế luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn
Phó Giám đốc Sở Y tế
----------
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.