(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm đến công tác đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao về chất lượng, gia tăng về số lượng, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Với đặc thù là địa phương có nhiều người DTTS sinh sống, Đảng bộ tỉnh Gia Lai luôn quan tâm đến công tác dân tộc nói chung và công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói riêng. Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chủ trương nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn.
Hàng năm, thông qua công tác tuyển dụng, tỷ lệ người DTTS trong cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức các ngành, lĩnh vực được đảm bảo theo các quy định của Nhà nước, dần đáp ứng chuẩn ngạch và vị trí việc làm. Toàn tỉnh hiện có 46,23% dân số là người DTTS, trong đó có khoảng 17% là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp. Nhiều cán bộ người DTTS được tổ chức tin tưởng quy hoạch, bổ nhiệm là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh ta ngày càng được nâng cao về chất lượng. Ảnh: T.N |
Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020, trong tổng số 55 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí là người DTTS, chiếm tỷ lệ 10,9%. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh có 80 đại biểu thì có 22 đại biểu là người DTTS, chiếm 27,5%; đối với cấp huyện, trong số 606 đại biểu HĐND có 211 đại biểu là người DTTS, chiếm 34,8%; ở cấp xã, trong số 5.985 đại biểu HĐND có 2.401 đại biểu là người DTTS, chiếm 40%.
Để đội ngũ cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, hàng năm, tỉnh ta đều rà soát, lập danh sách về số lượng, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, ngạch công chức; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho hàng ngàn học viên người DTTS.
Trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng được 2.580 lượt cán bộ, công chức người DTTS (trong đó đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 490 lượt người; đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị 821 lượt người; đào tạo bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh 804 lượt người; đào tạo bồi dưỡng theo ngạch công chức 256 lượt người; đào tạo khác 209 lượt người).
Để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở, tỉnh cũng tuyên truyền, vận động con em đồng bào DTTS đến trường học tập; ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút con em đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp đại học về công tác tại địa phương. Từ năm 2014 đến nay đã cử tuyển được 1.176 học sinh là đồng bào DTTS đi học tại các trường đại học, cao đẳng và sau khi tốt nghiệp phần lớn các em đều được bố trí, sắp xếp việc làm phù hợp.
Qua khảo sát thực tế, đội ngũ cán bộ DTTS sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trở về địa phương công tác đã biết vận dụng kiến thức, trình độ học vấn, kết hợp với sự am hiểu về phong tục, tập quán, thông thạo địa hình, ngôn ngữ để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu, ban hành những quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS. Hiện nay, đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở được đánh giá là lực lượng nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo đưa đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc; đồng thời, là lực lượng trực tiếp tổ chức, cùng đồng bào các DTTS xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Có thể khẳng định, phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật; có kiến thức, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn; có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng tiếp nhận kiến thức khoa học và công nghệ mới, từng bước thích nghi với cơ chế quản lý mới… Các cán bộ người DTTS đã phát huy vai trò của mình trong việc nắm bắt những vấn đề phát sinh, những bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở, là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời tổ chức, dẫn dắt đồng bào trong công cuộc phát triển tỉnh nhà.
Tuy nhiên, dù đã có sự quan tâm bổ sung, nâng cao trình độ nhưng đội ngũ cán bộ DTTS vẫn còn thiếu và yếu. Do đó, trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức và cơ cấu hợp lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
KPĂ ĐÔ
Trưởng ban Dân tộc tỉnh