(GLO)- Nhiều năm qua, Thành đoàn Pleiku đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn-Hội tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm tại địa phương. Với nhiều cách làm hay, nhiều CLB, tổ, đội, nhóm đã tạo được sân chơi hấp dẫn, góp phần không nhỏ vào việc đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên vào tổ chức Đoàn-Hội.
Câu lạc bộ Cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc làng Chuét 2, (phường Thắng Lợi). Ảnh: Phan Lài |
Hiện nay, Thành đoàn Pleiku đã thành lập được 90 CLB, tổ, đội, nhóm với sự tham gia của hơn 1.700 đoàn viên, thanh niên. Nhiều CLB, tổ, đội, nhóm đã hoạt động có hiệu quả như: CLB Kỹ năng công tác thanh niên (phường Tây Sơn); CLB Lân-sư-rồng, CLB Ẩm thực (phường Yên Đổ); CLB Dân vũ (xã Trà Đa), đội bóng đá (xã Chư Á)… Nổi bật nhất là CLB Cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc ở làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi). Được thành lập từ năm 2010, CLB đã góp phần gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai trên địa bàn. Câu lạc bộ có hơn 30 thành viên, trong đó thành viên lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất chỉ mới 7 tuổi. Trong những ngày lễ lớn hay hội thi của làng, xã và thành phố, CLB đều tham gia biểu diễn và đạt thành tích cao. Không chỉ tham gia biểu diễn, CLB còn tập luyện, hướng dẫn các kỹ năng chơi nhạc cụ cho nhiều em nhỏ trong làng. Anh Ksor Quỳnh-thành viên CLB cho biết: “Từ khi CLB được thành lập, đoàn viên, thanh niên trong làng có dịp gặp gỡ, trao đổi, luyện tập với nhau thường xuyên, góp phần tăng cường mối đoàn kết trong làng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của đoàn viên, thanh niên”.
Bên cạnh đó, CLB Nuôi bò lai (xã An Phú), CLB Giúp nhau lập nghiệp (phường Hội Phú)… cũng hoạt động khá hiệu quả. Mỗi tháng, CLB Giúp nhau lập nghiệp (phường Hội Phú) tổ chức sinh hoạt một lần nhằm đánh giá, trao đổi kinh nghiệm về tay nghề, cách tiếp cận các xu hướng việc làm mới của thị trường. Anh Võ Phạm Đức Tuấn-Bí thư Đoàn phường Hội Phú cho biết: Với lợi thế địa bàn có nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, CLB đã kết nối để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên học nghề, có việc làm và cho thu nhập ổn định, hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm sản xuất... để cùng nhau phát triển kinh tế. Thông qua hình thức sinh hoạt này, các hoạt động chung của Đoàn phường thực hiện cũng dễ dàng hơn và nhận được sự đồng thuận cao.
Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu thiết thực cho đoàn viên, thanh niên, các CLB, tổ, đội, nhóm trên địa bàn thành phố còn vận động các thành viên tham gia thực hiện nhiều phong trào tại địa phương, đơn vị như: phong trào thanh niên tình nguyện an toàn giao thông, thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin… Bên cạnh đó, các thành viên còn tham gia hiến máu tình nguyện, giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn.
Mỗi CLB, tổ, đội, nhóm đều có nội dung sinh hoạt và mục đích khác nhau, nhưng kết quả lớn nhất là đoàn viên, thanh niên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm sống, phát huy được tính đoàn kết, sáng tạo của tuổi trẻ; đồng thời, các tổ chức cơ sở Đoàn-Hội cũng kịp thời nắm bắt được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của các bạn đoàn viên, thanh niên. Với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, các mô hình CLB, tổ, đội nhóm đã thổi một luồng sinh khí mới, củng cố được lòng tin của đoàn viên, thanh niên vào tổ chức Đoàn-Hội. Đặc biệt, với phương thức hoạt động phong phú, các CLB, tổ, đội, nhóm đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, định hướng lối sống tốt đẹp cho đoàn viên, thanh niên.
Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Chí Cẩn-Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Pleiku cho biết: Để các CLB, tổ, đội, nhóm ngày càng hoạt động có hiệu quả, Ban Thường vụ Thành đoàn sẽ tích cực đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt; thành lập các CLB, tổ, đội, nhóm theo sở thích, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Qua đó, tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích, khơi dậy sức trẻ, đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia vào các phong trào Đoàn-Hội tại địa phương.
Phan Lài