Đổi mới để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 17-8-1984 là mốc thời gian đánh dấu ngày ra đời của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển với biết bao khó khăn, đến nay Công ty đã có những bước tiến vượt bậc.

Công ty hiện đang sở hữu 6.000 ha cao su kinh doanh, 1.653 ha cao su kiến thiết cơ bản. Diện tích vườn cây trải dài trên địa bàn 9 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông.

Vượt qua khủng hoảng

 

Trụ sở Công ty. Ảnh: Đinh Yến
Trụ sở Công ty. Ảnh: Đinh Yến

6 tháng đầu năm 2012, ngành cao su nói chung và Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê nói riêng phải đối mặt với thời tiết mưa bão, gió lốc bất thường, thị trường cao su luôn biến động, giá bán cao su sụt giảm trên 40% so với cùng kỳ năm 2011. Dự án trồng mới cao su tại các xã Ia Lâu, Ia Mơr (Chư Prông) chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, trong khi đó đặc thù cây cao su có thời gian đầu tư dài; địa điểm thực hiện dự án lại ở vùng biên giới rất khó khăn về hạ tầng kinh tế kỹ thuật.

Vị trí địa lý không thuận lợi, hậu quả của cơn bão số 9 và số 11 năm 2009 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, thì liên tiếp trong hai ngày (4 và 5-5) vừa qua vườn cây ở một số nông trường lại bị một cơn lốc tràn qua tàn phá gần 6.000 ha cao su khai thác, trong đó có 115 ha cao su khai thác đang thời kỳ sung sức phải thanh lý không khắc phục được.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, cán bộ-công nhân viên Công ty đã đoàn kết chia sẻ những khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, thực hiện hàng loạt các giải pháp vượt qua khủng hoảng, khắc phục những khó khăn khách quan mang lại để duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt tổng doanh thu 211 tỷ đồng, bằng 28,50% kế hoạch cả năm, trong đó nổi bật nhất là công tác xuất khẩu đạt 9,085 triệu USD, bằng 36,22% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 89,91 tỷ đồng.  

Để có được kết quả đó, ông Nguyễn Quốc Khánh-Tổng Giám đốc Công ty cho biết, Công ty tiếp tục định hướng chiến lược, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, cải tiến mạnh mẽ công tác điều hành quản lý, quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, đầu tư thiết bị, công nghệ mới, tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết… nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch giao, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho CBCNV-lao động.

 

Giữ vững danh hiệu Anh hùng Lao động
 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Từ chỗ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn của Công ty Cao su Dầu Tiếng, đến nay nguồn vốn cố định của Công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng. Từ chỗ cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì đến nay Công ty đã góp phần cùng địa phương xây dựng được một cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường khá thuận tiện… đặt nền móng cho phát triển xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ 19 người ban đầu đến nay Công ty đã có Hội đồng thành viên 3 người, Ban Giám đốc 5 người, 1 kiểm soát viên, 5 nông trường cao su, 2 xí nghiệp, 1 đội sản xuất cao su, 1 trung tâm y tế, 1 trường mầm non bán công và 9 phòng ban trực thuộc. Công ty đã góp phần biến những vùng đất hoang vu trở thành trù phú, đổi thay nhanh chóng trên các mặt về kinh tế-xã hội. Năm 2000, Công ty đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Tiếp tục giữ vững danh hiệu đó, trong nhiều năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đã luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch, xứng đáng là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò “đầu tàu”-nhân tố mở đầu để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo tiền đề cho công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với địa phương tích cực giải quyết việc làm ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2012, Công ty phấn đấu trồng mới 4.600 ha cao su, trong đó trồng mới ở Campuchia 3.500 ha; năng suất khai thác đạt 1,5 tấn mủ/ha, sản lượng 9.000 tấn, tổng doanh thu đạt và vượt 72,5% kế hoạch tương đương với 743/770 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 81,5 tỷ đồng… Công ty phân công lao động hợp lý và ổn định lao động trên vườn cây khai thác nhằm ổn định năng suất và sản lượng; khuyến khích người lao động thực hiện nhiều biện pháp thâm canh chăm sóc vườn cây thật tốt; duy trì phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch, phong trào rèn luyện nâng cao tay nghề nhằm tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Công ty chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả trong công tác, đặc biệt là việc chấp hành quy trình kỹ thuật, nội quy, quy chế của đơn vị. Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để từng công nhân phát huy quyền tham gia đóng góp xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, đặc biệt là việc công khai sắp xếp giao khoán vườn cây, công khai đơn giá tiền lương, cũng như thảo luận và thống nhất các biện pháp để đạt hiệu quả lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định thu nhập của người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm, các biện pháp kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư các hạng mục xây dựng cơ bản cần thiết phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, gắn với ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Hà Tây
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.