Xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, Gia Lai) có 11 thôn, buôn, trong đó 3 thôn: Mê Linh, Đồng Tĩnh và Quất Lưu là ba điểm kinh tế mới với 181 hộ từ 2 huyện Mê Linh và Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vào đây lập nghiệp, hưởng ứng theo lời kêu gọi di dân đến vùng kinh tế mới của tỉnh Vĩnh Phúc năm 1998.
Hồi tưởng lại những ngày đầu mới đến, người dân nơi đây cho biết: Thời điểm ấy, rừng cây rậm rạp, chưa có điện, chưa có đường cái, chỉ có một con đường mòn duy nhất rộng khoảng 1 mét để đi vào 3 thôn. Thế nhưng, khó khăn nhất là vấn đề thiếu nước tại vùng đất vốn được mang danh là chảo lửa Krông Pa. Trước năm 2006, vùng kinh tế mới chỉ có 2 thôn là Mê Linh với 80 hộ và Tam Đảo với 101 hộ. Đến năm 2006 Tam Đảo được tách ra thành 2 thôn Đồng Tĩnh và Quất Lưu.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong một chuyến thăm tại thôn Quất Lưu. Ảnh: Hồng Sơn |
Tất cả các hộ di dân khi đến định cư tại Gia Lai hầu như chỉ hai bàn tay trắng. Khi đặt chân đến vùng đất mới mỗi hộ được tỉnh Gia Lai hỗ trợ một căn nhà trị giá 7,2 triệu đồng, 2 sào rẫy và 1 sào lúa nước. Thế nhưng do điều kiện khô hạn nên diện tích canh tác lúa nước chỉ có thể sản xuất trên 500 m2. Cuộc sống của người dân trong những ngày đầu định cư vô cùng vất vả, làm việc cật lực cả ngày cũng chỉ mong đủ cơm ba bữa, tạm lo no cái bụng, chứ thực sự chưa dám nghĩ tới chất lượng bữa ăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, giao thông chưa phát triển, điện không, trường học không, y tế, chợ búa đều xa xôi, phải qua các xã khác mới có. Hệ thống thủy lợi, giếng nước cũng chưa có nên sản xuất chỉ mang tính nhỏ lẻ, năng suất thấp dẫn đến tình trạng khó khăn trăm bề.
Sau hơn 10 năm xây dựng, giờ đây khi vào 3 thôn, tuy mới là con đường cấp phối còn nhiều bụi đất nhưng giao thông đã được cải thiện đáng kể. Các xe ô tô đã có thể vào tận trong thôn vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Từ năm 2004 điện đã về các thôn, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư phát triển. Trong xã có 4 trường: 1 Mầm non, 2 Tiểu học, 1 Trung học cơ sở, tỷ lệ đến trường đạt 100%. Trạm Y tế được đầu tư xây dựng giúp người dân có nơi khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe. Cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền về công tác kế hoạch hóa gia đình, phòng- chống dịch bệnh đến người dân…
Anh Nguyễn Văn Thực, 38 tuổi, thôn Mê Linh, xã Chư Drăng cho biết: “Tốc độ phát triển tại đây nhanh đến bất ngờ. Những ngày đầu người dân phải tiết kiệm từng giọt nước. Nước sau khi vo gạo lại được dùng rửa rau rồi tiếp tục được dùng vào vệ sinh. Đến nay, nhờ sự đầu tư tạo điều kiện của huyện, của tỉnh, các gia đình đã phát triển kinh tế một cách bền vững, cuộc sống ngày một giàu hơn, các trang- thiết bị trong nhà giờ không thiếu thứ gì, từ tủ lạnh, ti vi, máy vi tính... Riêng gia đình tôi có tới 5 xe máy nhằm phục vụ cho sản xuất và đi lại”.
Thế mạnh sản xuất của vùng là các loại cây: Bắp, mì, điều, thuốc lá, đậu đỗ… và gần đây là cây mía. Tại 2 thôn Đồng Tĩnh và Quất Lưu đã có hệ thống kênh mương được bê tông hóa kênh chính và kênh nội đồng cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới. Bên cạnh đó, dự án thủy lợi Uar với nguồn vốn 11,273 tỉ đồng, hứa hẹn sẽ phục vụ nguồn nước tưới dồi dào cho người dân trong vùng. Hiện tại công trình nước sạch từ nguồn vốn tài trợ của tỉnh Vĩnh Phúc đang được đầu tư xây dựng... Điều kiện cơ sở vật chất đang ngày một tốt hơn đã tạo thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất và cùng với sự chăm chỉ cần cù của người dân, chắc chắn trong tương lai không xa, nơi đây sẽ tiếp tục phát triển không ngừng.
Hồng Sơn