(GLO)- Đảng bộ tỉnh Gia Lai thành lập ngày 10-12-1945. Ngày 26-6-1946, tỉnh ta bị thực dân Pháp tái chiếm, các cơ quan của tỉnh phải chuyển về Bình Định để củng cố, sau đó trở lại bám trụ địa bàn Tây Nguyên. Thực hiện chủ trương: “Biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, đầu năm 1946, tỉnh thành lập Ty Thông tin-Tuyên truyền và ra tờ “Thông Tin”, qua năm 1947 ra tờ báo” Sáng” để giáo dục, hướng dẫn cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, đấu tranh chống thực dân Pháp.
Năm 1954, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động trong bí mật, Ban Cán sự tỉnh Gia Lai ra tờ nội san “Vững Tiến” số đầu ra ngày 20-7-1955 đến số 18 thì đổi tên thành tờ “Thống Nhất” cho phù hợp với mục tiêu đấu tranh thống nhất đất nước. Cùng với tờ “Vững Tiến”, “Thống Nhất” bằng tiếng phổ thông, tỉnh xuất bản 2 tập nội san bằng tiếng Bahnar (gọi là Plir), bằng tiếng Jrai (gọi là Phing cùng nghĩa là Thống Nhất). Các tập nội san trên được ra hàng tháng, cùng với “Bản tin Gia Lai” ra 1 tháng 2 lần do Ban Tuyên huấn của tỉnh phụ trách. Đây là phương tiện thông tin quan trọng nhất của Đảng bộ. Ngoài ra, để phát hành vào vùng địch kiểm soát, ta sử dụng các loại tờ rơi (truyền đơn) bằng nhiều thứ tiếng: Kinh, Bahnar, Jrai, Triều Tiên, Mỹ.
Ra mắt giao diện Báo Gia Lai điện tử phiên bản mới 2012. Ảnh: N.G |
Cán bộ, đảng viên sử dụng tờ nội san làm tài liệu học tập tuyên truyền cho nhân dân, sử dụng tờ nội san bằng tiếng Bahnar, Jrai để học chữ cho cán bộ, nhân dân vùng dân tộc thiểu số và học tiếng, chữ dân tộc thiểu số cho cán bộ người Kinh.
Trong điều kiện khó khăn, ác liệt, việc duy trì và phát huy được tờ báo là một cố gắng rất lớn của Đảng bộ. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên là những cán bộ chính trị, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghề báo nhưng có thuận lợi là người vừa hoạt động cách mạng, vừa viết báo nên am hiểu thực tiễn, linh hoạt. Phương tiện in ấn rất thô sơ, phải in li-tô trên bản đá bằng cách viết ngược, tuy vậy nội dung vẫn tốt, hình thức khá đẹp. Trong điều kiện chiến tranh chia cắt, việc chuyển báo đến cơ sở không dễ dàng, nhiều nơi phải mất từ 15 ngày đến 20 ngày mới đến. Những nơi địch còn kiểm soát, cơ sở phải bí mật chuyền tay nhau đọc.
Sự bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn, cán bộ, đảng viên người địa phương có người chưa biết tiếng phổ thông, chưa đọc được chữ dân tộc thiểu số, nạn mù chữ đã hạn chế đến việc sử dụng báo chí. Tuy nội dung tờ báo chưa thật phong phú, hình thức còn giản đơn nhưng bạn đọc rất quý mến, đón đợi và chuyền tay nhau nên tờ báo đạt hiệu quả cao. Lúc bấy giờ chỉ có báo, không có máy thu thanh, không có phim và truyền hình. Toàn tỉnh chỉ có một chiếc máy thu thanh. Đến năm 1963 mới có máy bán dẫn và mỗi huyện chỉ có một chiếc. Đến năm 1970, tỉnh mới có máy chiếu phim.
Nhìn lại tờ “Thông Tin”, “Sáng” trong thời kỳ chống thực dân Pháp đến tờ “Vững Tiến”, “Thống Nhất” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chúng ta đầy tự hào về truyền thống báo chí của Gia Lai. Tờ báo trở thành một vũ khí sắc bén trong việc tham gia đánh thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng.
Trải qua 37 năm sau giải phóng, Báo Gia Lai đồng hành cùng các phương tiện thông tin đại chúng khác trong nhiệm vụ mới nhằm tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đoàn kết bất khuất của các dân tộc trong tỉnh, tận dụng những thuận lợi mới để nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ trọn vẹn thành quả cách mạng.
Sau ngày giải phóng ở Gia Lai không chỉ có báo viết mà có thêm báo nói, báo hình và các phương tiện thông tin khác. Trong đó, Báo Gia Lai là người anh cả, trở thành chỗ dựa cho các bạn đồng hành. Riêng Báo Gia Lai không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn trong tình hình mới, những thành tích và tiến bộ đáng ghi nhận đó là: Đội ngũ làm báo gồm biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên ngày càng đông đảo, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ và có tâm huyết với nghề, sớm thâm nhập vào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, góp phần nâng cao chất lượng tờ báo. Cơ sở vật chất, điều kiện tác nghiệp ngày càng tốt hơn.
Việc in ấn và phát hành thuận lợi hơn, nhiều xã vùng xa báo đến trong ngày. Trình độ học vấn của cán bộ và nhân dân được nâng lên là điều kiện để tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả công dụng của báo chí. Chất lượng tờ báo không ngừng tăng lên, nội dung phong phú, bám sát các mục tiêu: Chính trị, tư tưởng, kinh tế-đời sống, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, phản ánh được các mặt trong đời sống và định hướng cho những suy nghĩ và hành động của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Số lượng báo phát hành ngày càng tăng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ và nhân dân.
Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và Gia Lai nói riêng ngày càng đòi hỏi nhiều sức lực, trí tuệ. Mặt khác, cuộc sống về vật chất tinh thần ngày càng được cải thiện, đòi hỏi Báo phải đáp ứng yêu cầu của xã hội. Do đó, Báo nên tăng thêm lượng kiến thức về khoa học, giới thiệu các mô hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới, về sản xuất, dịch vụ, nhất là mô hình mang tính xã hội hóa cao. Bên cạnh đó, tờ báo luôn giữ tính trung thực, khách quan, không ngừng nâng cao tính chiến đấu, đặc biệt tham gia chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Ngô Thành (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai)