Doanh nghiệp Việt chuyển mình để tận dụng EVFTA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Doanh nghiệp dệt may, da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Ảnh: Ngô Cường

Xuất khẩu đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, các hiệp định kinh tế mà Việt Nam tích cực tham gia, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang được xem như “phao cứu sinh” cho xuất khẩu, bởi sẽ mở ra cơ hội thị trường rộng lớn hơn.
FTA nhìn từ ngành dệt may Việt Nam
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - có hơn 20 năm gắn bó với ngành dệt may của Việt Nam. Một trong những kỷ niệm lớn nhất trong đời làm nghề của ông là được “mục sở thị” chuỗi cung ứng của ông lớn thời trang thế giới - Zara ở La Coruna, Tây Ban Nha.
Ông Việt ngạc nhiên vì Zara có 80.000 nhà cung cấp toàn cầu và hàng nghìn cửa hàng trên thế giới. Trong số những nhà cung cấp của Zara, không ai khác chính là khách hàng của họ. Điều mà ngành dệt may Việt Nam chưa làm được. 
Lần đầu tiên đến thành phố Thiệu Hưng của tỉnh Chiết Giang - nơi được mệnh danh là thủ phủ dệt nhuộm của Trung Quốc, bước chân xuống máy bay, ông Việt được người bản địa định nghĩa luôn “đây là thành phố dệt của thế giới”. Ở đây, có 4.000 nhà máy dệt, mỗi người chỉ làm một thứ thôi, nhưng chuỗi liên kết rất tốt. Họ đang dạng hoá sản phẩm, cung cấp cho cả thế giới.
Sản phẩm chính của May 10 là sơ mi, veston và quần âu. Ông Thân Đức Việt cho biết, May 10 may 120.000 bộ veston, 1,2 triệu áo sơ mi  và 600.000 quần âu mỗi tháng. Mã hàng lên đến 1.000 mã và 1 chiếc áo sơ mi có thể tới 800 mẫu mã khác nhau. Nhưng May 10 vẫn chỉ là “một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng thời trang thế giới”...
Theo CEO May 10, 60-70% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam là mua từ Trung Quốc. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Việt nói “chưa khi nào nghe tin dữ như vậy”.
“Do thiếu nguồn cung, có 15 nhà máy trực thuộc tổng công ty phải nghỉ tới 39 ngày; có nhà máy nghỉ 3 ngày, có nhà máy nghỉ 2 ngày, 1 ngày... Chúng tôi rốt ráo liên hệ với nhà cung cấp để “ép” họ chuyển nguyên liệu cho May 10, phục vụ các dây chuyền sản xuất, nhưng cũng rất khó” - ông Việt nói. 
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 tỏ ra lạc quan khi Việt Nam đang tích cực tham gia mạng lưới các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), nhất là khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn sẽ là chìa khoá mở cánh cửa để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với thị trường Châu Âu.
“Khi EVFTA được lãnh đạo Bộ Công Thương trình Quốc hội họp và phê chuẩn sớm sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, trong đó, có May 10. Chúng tôi sẽ đa dạng hoá được thị trường và tăng năng lực cạnh tranh khi các dòng thuế giảm ngay về 0% hoặc giảm dần từ 3-7 năm khi có hiệu lực. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam dần trở nên cạnh tranh hơn so với Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh, Lào” - ông Việt cho hay.
Song, ông Việt lưu ý, vấn đề lớn nhất đối với ngành dệt may là khâu nhuộm hoàn tất, EU đặt ra yêu cầu xuất xứ từ vải. Do đó, để tận dụng được các FTA, ông Việt cho rằng Chính phủ, địa phương cần phải hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp, tập trung nguồn cung đang thiết hụt, hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu… để đáp ứng yêu cầu của hiệp định.
Một ngành khác dự kiến sẽ được hưởng lợi lớn từ các hiệp định kinh tế, trong đó có EVFTA, chính là da giày. Đặc biệt khi hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép sang EU, chiếm tỉ trọng khoảng 20,1% kim ngạch nhập khẩu của EU đối với mặt hàng này. EVFTA dự kiến sẽ mang lại tác động tích cực cho ngành da giày Việt Nam khi 37% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3-7 năm.
Một số sản phẩm khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, như túi xách, ví, vali, mũ… Nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-Mutrap) cho thấy, tốc độ tăng xuất khẩu vào EU của các sản phẩm da giày dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm hàng nông sản cũng sẽ có cơ hội mở ra thị trường tiêu thụ lớn tại EU. Đơn cử như với thuỷ sản, EU xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn. 
Tham gia các FTA, Việt Nam sẽ giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường
Chia sẻ với Lao Động, GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - nói rằng, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang Châu Âu có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường. “Hiện xuất khẩu Việt Nam đang chịu những tác động rất lớn từ dịch COVID-19, cũng chính bởi do còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này ngưng trệ, ngay lập tức nông sản rồi vô số hàng hoá khác của chúng ta lao đao kể cả đầu ra lẫn đầu vào” - GS Võ Đại Lược phân tích.
Theo chuyên gia này, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến cho nhiều mặt hàng của Việt Nam thường rơi cảnh ùn ứ ở cửa khẩu. “Giải cứu” là từ quen thuộc đối với thị trường. Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, việc đẩy mạnh tìm thị trường mới để giảm bớt phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào là sự cần thiết.
“Không chỉ các sản phẩm xuất khẩu, nguồn nguyên liệu nhập khẩu hay thu hút đầu tư nước ngoài cũng đều có thể kỳ vọng nhiều hơn từ EVFTA. Tăng trưởng GDP, vì thế, cũng sẽ có thêm cơ hội để tránh rơi vào cảnh giảm tốc” - GS Lược cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, khi tham gia vào các FTA thế hệ mới, Việt Nam có nhiều cơ hội, là điều kiện để tiếp tục thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nước CPTPP và EU, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.
Đối với Hiệp định CPTPP, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada, giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Về cơ hội việc làm, thu nhập và phát triển bền vững, tham gia FTA thế hệ mới sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, về mặt xã hội, hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do nói riêng, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không phải chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức. Đó là thách thức về kinh tế, về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động - công đoàn, môi trường. 
Do vậy, Bộ trưởng ngành Công Thương cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu để thực thi có hiệu quả, tận dụng thật tốt các cơ hội mà các FTA này mang lại. Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian ngắn nhất nhằm sớm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Cường Ngô (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.