(GLO)- Đầu năm 2009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu áp dụng bắt buộc đối với người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không ít đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tìm cách “lách luật” hay chây ỳ không tham gia loại hình bảo hiểm này. Nhưng đến nay tình hình đã thay đổi khi nhiều doanh nghiệp cho rằng, đóng BHTN cho lao động, doanh nghiệp được lợi chứ không mất.
Những kết quả bước đầu
Ảnh: Đinh Yến |
Tại Hội thảo 5 năm thực hiện chính sách BHTN do Trung tâm Giới thiệu Việc làm phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức đã đánh giá những kết quả đạt được từ thực hiện chính sách BHTN trong những năm qua là “thành công hơn cả mong đợi”. Ông Nguyễn Hùng-Phó Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai nhận xét: Tuy là một chính sách mới đi vào cuộc sống nhưng khi nghiên cứu và áp dụng, Công ty thấy rất có lợi. Từ năm 2009, thực hiện chính sách BHTN, Công ty đỡ được khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động, đồng thời chủ động được nguồn quỹ cho đơn vị.
Ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh cho biết: “Khi chưa thực hiện chính sách BHTN, mỗi khi doanh nghiệp có lao động nghỉ việc phải chi trả một khoản trợ cấp thôi việc cho họ, nhưng từ khi chính sách BHTN có hiệu lực thì doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp cho người lao động mà do quỹ BHTN chi trả và người lao động còn được hỗ trợ tìm việc làm mới, được hỗ trợ đào tạo nghề và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù các doanh nghiệp phải chi trả 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng cho người lao động trong chính sách BHTN, nhưng nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất hào hứng. Phần lớn họ đã ý thức được trách nhiệm đối với lao động của chính doanh nghiệp mình. Còn người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN cũng khá mặn mà.
Công nhân cà phê cần được quan tâm nhiều hơn về quyền lợi. Ảnh: Đinh Yến |
Thực tế cho thấy, sau 5 năm thực hiện chính sách BHTN số lượng người tham gia BHTN cao hơn nhiều so với dự kiến. Nếu năm 2009 chỉ có 40.214 lao động thuộc 453 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHTN thì tính đến 9 tháng năm 2013 có 63.561 lao động thuộc 1.009 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chiếm 80% so với tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Công tác chi trả chế độ BHTN được thực hiện từ tháng 1-2010. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 4.814 hồ sơ lao động đăng ký thất nghiệp, trong đó số người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng là 4.102 người, số người chuyển hưởng BHTN là 129 người, với tổng số tiền là 28,07 tỷ đồng. Số lao động không đủ điều kiện hưởng BHTN là 431 người; giới thiệu việc làm mới cho 177 người.
Chính sách ngày càng thông thoáng
Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động. Hưởng trợ cấp 3 tháng thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng; hưởng 6 tháng từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng; hưởng 9 tháng từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng và hưởng 12 tháng từ đủ 144 tháng trở lên. |
Những năm qua, việc thực hiện chính sách BHTN theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ gặp một số bất cập, hậu quả là có rất nhiều lao động khi nghỉ việc chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang-Phòng Tổ chức Lao động-Công ty TNHH một thành viên 75 cho biết: Hiện nay, Công ty có gần 200 lao động đã nghỉ việc chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nguyên nhân do người lao động chậm đăng ký thất nghiệp theo quy định. Công ty có tổng số 2.474/2.900 người tham gia đóng BHTN. Do đặc thù là đơn vị quân đội quản lý quyết toán với đơn vị cấp trên nên người lao động sau khi có nguyện vọng chấm dứt hợp đồng lao động thì vào cuối mỗi tháng mới tổng hợp 1 lần. Sau đó, Công ty gửi hồ sơ về Binh đoàn 15 để ra quyết định nghỉ việc và gửi hồ sơ bảo hiểm xã hội cho Bộ Quốc phòng để chốt sổ. Sau khi chốt sổ, Bộ Quốc phòng gửi ngược về Binh đoàn, rồi mới gửi về Công ty. Công đoạn này khá vòng vèo tốn nhiều thời gian nhưng khi quy định việc đăng ký thất nghiệp theo Nghị định 127 chỉ trong vòng 7 ngày thì chuyện người lao động nghỉ việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là đương nhiên.
Trước những bất cập, ngày 1-3-2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32, quy định lại việc đăng ký thất nghiệp kéo dài lên thời hạn 3 tháng. Nhờ chính sách ngày càng thông thoáng hơn nên người sử dụng lao động và người lao động ngày càng mặn mà với việc tham gia thực hiện chính sách BHTN.
Chị Trần Thị Ái Nhi-Công ty TNHH O Lam (Khu Công nghiệp Trà Đa) cho biết: Hàng tháng, người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng nhưng khi nghỉ việc được mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Như vậy, quyền lợi của người lao động đã được quan tâm nhiều hơn.
Đinh Yến