(GLO)- “Bằng mọi biện pháp giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững”-Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022. Tăng trưởng GDP quý I-2022 đạt 5,03% trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình quốc tế có những biến chuyển bất lợi… cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế và là cơ sở để kỳ vọng về một mức tăng trưởng cao hơn nữa, bền vững hơn nữa trong năm nay.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, sức ép lạm phát, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy sau dịch Covid-19 do xung đột giữa Nga-Ukraine thì những chỉ số thống kê quý I của nước ta cho thấy một bức tranh với nhiều gam màu sáng. Tăng trưởng GDP đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I-2021 và 3,66% của quý I-2020. Hoạt động xuất-nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu quý I tăng 14,4%, xuất siêu hơn 800 triệu USD. Số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục 60 ngàn doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái… Điều đó cho thấy nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi rõ nét.
Số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I-2022 trên cả nước đạt kỷ lục 60 ngàn doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đức Thụy |
Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ; sự nỗ lực của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đó chính là biểu hiện sinh động của tinh thần độc lập, tự chủ trong xây dựng và phát triển kinh tế. Tự chủ nhưng không tự cô lập mà vẫn hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế nên cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, công tác dự báo tốt hơn để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Có thể kể đến áp lực tăng giá từ bên ngoài của hầu hết các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, từ công nghiệp-xây dựng, đến nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… Trong khi đó, bình quân mỗi tháng vẫn có hơn 17 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động mặc dù đã giảm so với quý trước nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng và thực thi nhiều chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm, song các chuyên gia lưu ý vẫn cần rút ngắn hơn nữa các trình tự, thủ tục để thực thi có hiệu quả các chính sách đã ban hành. Ví như gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 350 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,3% GDP là chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, được thực hiện trong 2 năm, nhưng một số nội dung đã được triển khai ngay từ tháng 2 như “gói hỗ trợ thị trường”, kích cầu tiêu dùng thông qua giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đã giúp cả người bán và người mua đều được hưởng lợi… nhưng việc giảm lãi vay 2% được nhiều doanh nghiệp quan tâm, kỳ vọng thì đến nay vẫn chưa được hướng dẫn, triển khai.
Hay như 114 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công (chiếm 1/3 gói hỗ trợ) cần giải ngân trong năm nay để tạo cơ sở hạ tầng tốt, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh hơn, liệu có hoàn thành không khi đang “vướng” các trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án?
Những khó khăn, thách thức đó đã được phân tích tại nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn và cũng được Chính phủ nhận diện, nêu rõ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa rồi. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm nay như Quốc hội đề ra là một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến khó lường, với những tác động không nhỏ từ cuộc chiến Nga-Ukraine khiến giá nguyên, nhiên liệu tăng cao.
Trong nhiều động lực cho sự phát triển hiện nay, một trong những yếu tố quan trọng là cần tháo gỡ nhanh các bất cập để nền kinh tế có thể hấp thụ ngay các chính sách, nguồn lực từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Cả trước mắt và lâu dài, việc điều hành chính sách vĩ mô cần tinh tế, nhạy bén và linh hoạt hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi, định hướng cho các thành phần kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước.
ĐÌNH CƯƠNG