(GLO)- Chỉ trong một thời gian ngắn, riêng tại địa bàn Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại Phúc Gia Bảo 68-Chi nhánh Gia Lai đã huy động tổng cộng hơn 50 tỷ đồng với khoảng 1.000 hợp đồng núp dưới tên gọi “hợp tác kinh doanh”. Sau khi Tổng Giám đốc Công ty này bị bắt giữ, nhiều nạn nhân mới biết mình “dính bẫy” đa cấp.
Lời kêu cứu của nạn nhân
Đã nhiều ngày nay, chị Hoa* (TP. Pleiku) chẳng buồn ra khỏi nhà, đầu đau như búa bổ mỗi khi nhắc đến khoản tiền đang nằm trong Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại Phúc Gia Bảo 68-Chi nhánh Gia Lai (gọi tắt là Công ty Phúc Gia Bảo 68) chưa lấy lại được. Chị Hoa kể: “Tháng 8-2015, tôi bắt đầu tham gia “hợp tác kinh doanh” với Công ty Phúc Gia Bảo 68 thông qua Chi nhánh ở địa chỉ 89 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku. Ban đầu họ đưa ra 2 gói, gói 12,6 triệu đồng thì phải kêu thêm khách, còn nếu không kêu thêm khách thì mua gói 36,6 triệu đồng. Nếu mua gói 36,6 triệu đồng thì tháng đầu tiên được nhận 9 triệu đồng, tháng thứ 2 là 36 triệu đồng, tháng thứ 3 là 60 triệu đồng… Thấy lãi suất quá hấp dẫn, tôi đã mua ngay một gói. Tuy nhiên, tôi chỉ lấy tiền được 2 tháng đầu, đến tháng thứ 3 không lấy được, phía Công ty bắt phải tái đầu tư mới lấy được tiền. Đồng thời, trong tháng 10 họ đưa ra tiếp chương trình kích cầu: Nếu mua 10 gói 36,6 triệu đồng thì khuyến mãi tháng thứ 7 tương ứng khoản tiền 150 triệu đồng...”.
Trụ sở Công ty bán hàng đa cấp. Ảnh: L.L |
“Khi đó tôi cũng chưa tin lắm nhưng khi thấy những người khác mua rồi được đi du lịch Thái Lan, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt… và thời điểm đó đông người mua lắm, chen chân nộp tiền, 7-8 giờ tối vẫn còn thu thì tôi bắt đầu tin. Sau đó, tôi mượn chứng minh thư của người thân, huy động tiền, thậm chí vay nóng để mua luôn 9 gói 36,6 triệu đồng; 3 gói 72 triệu đồng và 2 gói 24 triệu đồng vì theo lãi suất họ đưa ra chỉ cần mua gói 72 triệu đồng thì sau thu về cả tỷ đồng nên dù vay nóng cũng vẫn còn lời”-chị Hoa cho biết.
Nhưng cũng như nhiều người khác, chị Hoa đâu biết được chữ ngờ. Sau khi nộp tiền vào Công ty, chị chỉ lấy được tiền trong 3 tháng đầu, những tháng tiếp theo Công ty không trả mà khất lần... “Một buổi đi làm, một buổi chầu chực ở Công ty để đòi tiền rất mệt mỏi, căng thẳng. Hiện tôi chỉ mong lấy lại được số tiền gốc 516 triệu đồng thôi, chứ bây giờ nợ nần chồng chất mà vẫn phải giấu chồng, giấu con sống khổ lắm. Rất mong cơ quan chức năng sớm điều tra để chúng tôi lấy lại tiền”-chị Hoa than vãn.
Tương tự, chị Ngọc* (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đã bị “sập bẫy” với số tiền lên đến hơn 3,3 tỷ đồng. Tinh thần bấn loạn vì phải chịu nhiều áp lực mất tiền, nợ nần, lo sợ trả thù… chị Ngọc rầu rĩ: “Chị bây giờ rơi vào cảnh đường cùng rồi, nợ nần đến mức phải trốn đi, bố chị chết mà không có tiền mua vé để về chịu tang... Nhiều gia đình khác thì vợ chồng đánh nhau, con đau không có tiền mua thuốc, nguy cơ ly dị, mất nhà…”.
1.000 hợp đồng núp dưới tên gọi “hợp tác kinh doanh”
Sau khi nhận được đơn tố cáo của nạn nhân từ nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Gia Lai… về Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại Phúc Gia Bảo 68, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46 Bộ Công an) đã vào cuộc điều tra. Sau đó, đối tượng Nguyễn Thế Anh-Tổng Giám đốc Công ty đã bị bắt giữ về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Ngày 18-4-2016, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng đã phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai khám xét Chi nhánh của Công ty này tại 89 Phạm Văn Đồng TP. Pleiku. Tại đây, cơ quan Công an đã thu được một bản danh sách khách hàng gồm 37 tờ và nhiều giấy tờ liên quan khác.
Thông tin ban đầu từ Cơ quan Điều tra cho biết, riêng tại địa bàn Gia Lai, Công ty này đã huy động tổng cộng hơn 50 tỷ đồng với khoảng 1.000 hợp đồng núp dưới tên gọi “hợp tác kinh doanh”. Tuy vậy, theo nhiều nạn nhân thì thực tế số tiền này khả năng cao hơn nhiều. Chiêu thức lừa đảo của Công ty này là huy động tiền theo hình thức đa cấp với lãi suất cao ngất ngưởng. Theo một hợp đồng mà nạn nhân cung cấp thì lợi nhuận lên đến 5%/tháng và được Công ty hồi lại vốn theo tỷ lệ phần trăm lợi nhuận của tháng đó, trong vòng 12 tháng sẽ hồi vốn đầu tư ban đầu... Điều này khiến các “nạn nhân” mờ mắt vì ham lời, sẵn sàng trao hàng tỷ đồng chỉ với một hợp đồng ký kết đơn giản mà chẳng hiểu rõ hoạt động của Công ty này; để rồi nhận “quả đắng” khi Công ty chỉ trả được vài ba tháng…
Hiện tại, Chi nhánh này đã đóng cửa, không hoạt động nhiều ngày, trong khi đó rất nhiều nạn nhân đang điêu đứng vì nợ nần chồng chất.
Dã Quỳ
(*: tên nạn nhận đã được thay đổi)