Những tưởng em gái của mình đã mất trong thời chiến tranh loạn lạc nên người anh cùng gia đình đã lập bàn thờ và đều đặn nấu cơm cúng suốt gần năm thập kỷ qua. Thế nhưng, giữa một ngày đẹp trời, điều diệu kỳ đã đến...
Anh em bà Sáu ôm chặt nhau trong ngày gặp lại. |
Chúng tôi tìm gặp ông Phan Văn Sung (ông Hai) tại nhà ông ở thôn Thi Lai (xã Duy trinh, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trong một ngày hè "đổ lửa". Ở tuổi ngoại bát tuần, ông Hai vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông và người con trai đang dọn dẹp bàn thờ, chuẩn bị cho ngày giỗ mẹ và em gái.
Em gái trong trí nhớ của ông Hai ngày xưa đẹp lắm nhưng nhà nghèo nên vất vả. "Tôi hay gọi nó là con Sáu. Nó đi làm thuê, rồi mất tích năm 1970, gia đình tìm và chờ hoài thông tin nhưng không có. Nghĩ nó đã chết trong chiến tranh nên gia đình đã lập bàn thờ và lấy ngày giỗ của mẹ làm ngày giỗ chung", ông Hai nói.
Câu chuyện về "con Sáu" cứ thế tuôn ra, và khi cảm xúc lên đến cao trào, tôi nhẹ nhàng nói: "Cô Sáu còn sống ông ạ, tuần sau cô sẽ về gặp ông". Ban đầu, ông Hai không tin, luôn miệng bảo: "Con Sáu chết lâu rồi, nó trên bàn thờ chứ đâu mà gặp". Nhưng rồi, trước những thông tin cụ thể do tôi cung cấp, hai hàng nước mắt ông Hai chực trào ra, tay chân ông run rẩy như không tin được những gì mình nghe thấy.
Và rồi, câu chuyện bà Sáu còn sống lan nhanh, những người bà con, hàng xóm cứ nườm nượp kéo đến nhà ông Hai hỏi thăm. Bà Năm, em ruột ông Hai lấy chồng về bên kia sông, khi hay chị Sáu còn sống, bà đã giục đứa cháu phải chở cho thật nhanh, băng qua con sông đã cạn nước vì khô hạn về nhà anh Hai để xác thực.
Sau khi hay người trong di ảnh trên bàn thờ còn sống, những tưởng cuộc hội ngộ đã rất gần, nhưng rồi, sức khỏe bà Sáu có những chuyển biến không được tốt nên cuộc hội ngộ cứ lỡ hẹn. Về phần bà Sáu, từ khi biết thông tin về anh chị em, ngày nào bà cũng khóc, cảm giác vài ngày nữa sao mà dài hơn 50 năm qua. Lo cho sức khỏe của bà không thể đảm bảo khi phải di chuyển đoạn đường dài từ Sóc Trăng về Quảng Nam, ông Hai và bà Năm đã vào Sóc Trăng để hội ngộ. Thế là, trong đong đầy nước mắt, họ ôm chặt nhau, tiếng khóc nức nở vang khắp nhà...
Bà Sáu kể, chiến tranh ác liệt khi địch liên tục càn quét giết chết nhiều người, mẹ bà đã đưa các con ra Đà Nẵng để mưu sinh. Gia đình bà sống nhờ vào việc buôn bán ở chợ Hàn. Ở lứa tuổi đôi mươi, bà làm tất cả, ai thuê gì làm nấy phụ gia đình. Bà mong muốn được học nghề thuốc nên đi tìm thầy để học. Trong lần đi tìm ấy bà quen một người tên Dũng, hơn bà vài tuổi. Khi tình yêu giữa bà và Dũng đơm hoa, bà cũng hay tin công việc của bạn trai là hoạt động cách mạng nên cứ lúc ẩn lúc hiện, đi đi về về trong đêm. Khi bà có thai, Dũng xin gia đình đưa bà về vùng quê ở H. Quảng Điền (TT - Huế). Và rồi, trong một trận đánh lớn ở quê, bà không bao giờ thấy Dũng trở lại. Chiến tranh loạn lạc, bà tiếp tục lạc gia đình nên một mình đi về phía Nam, sinh con mà không có người thân bên cạnh. Cuộc sống vất vả vô cùng, bà nay đây, mai đó rồi dừng chân tại mảnh đất Sóc Trăng.
Bà Sáu kể thêm, rất mong muốn tìm về quê hương, gặp lại anh chị em nhưng vì tuổi cao sức yếu, thời gian lại dài, bà không thể nhớ được những thông tin về gia đình. Mỗi lần bà Sáu nhớ ra được chi tiết nào đều được người cháu ngoại ghi lại nhưng thông tin cũng chỉ gói gọn gia đình từng bán tại chợ Hàn cũng như tên của ba mẹ, anh Hai và chị Năm. Dẫu vậy, một lần tình cờ, thông qua mạng xã hội, cháu bà Sáu đã kết nối và kết quả gia đình bà đoàn tụ trong ngày nước mắt không khỏi tuôn...
Theo P.V (cadn)