Diện mạo Gia Lai 80 năm về trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những ngày cuối tháng 5 này, tỉnh Gia Lai có rất nhiều hoạt động hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập tỉnh (24-5-1932 – 24-5-2012), chúng ta hãy cùng nhau quay ngược thời gian, lùi lại năm 1932 để hiểu thêm về diện mạo Gia Lai vào thời điểm tỉnh nhà chính thức được khai sinh.

Việc chinh phục vùng đất Bắc Tây Nguyên của thực dân Pháp được coi như hoàn tất với sự kiện Khâm sứ Trung kỳ là Bulôsơ (Boulloche) đưa yêu sách buộc triều đình Huế phải để cho người Pháp phụ trách vấn đề kinh tế và an ninh toàn vùng Tây Nguyên vào ngày 16-10-1898 và triều đình nhà Nguyễn đã phải nhượng bộ.
 

Lễ mừng cơm mới của người Bahnar. Ảnh: Huy Tịnh
Lễ mừng cơm mới của người Bahnar. Ảnh: Huy Tịnh

Cũng trong năm này, Tòa Đại lý hành chính Kon Tum (bao gồm cả địa phận tỉnh Gia Lai) được thành lập. Hơn 30 năm sau-năm 1932, trải qua hai đợt khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, vùng đất Gia Lai đã có nhiều đổi thay. Trong đó, những thay đổi về hành chính, dân cư và kinh tế nông nghiệp là những vấn đề đáng quan tâm, trong rất nhiều những chuyển biến để một vùng đất có số lượng dân cư thưa thớt, người dân đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy, với nền kinh tế tự cung tự cấp, thành một vùng đất có đủ nguồn nhân lực để khai thác tài nguyên, cung cấp cho người Pháp những nguyên liệu đặc trưng của Đông Dương.

Hành chính

Trên thực tế, gần 30 năm trước đó, đã có một tỉnh với tên gọi là Plei-Kou-Der được thành lập theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905. Tuy nhiên, tỉnh Plei-Kou-Der rất rộng lớn. Nó bao gồm toàn bộ vùng núi phía Tây tỉnh Bình Định, Phú Yên (gần như toàn bộ khu vực Tây Nguyên ngày nay). Sau gần 2 năm tồn tại, Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907 đã xóa tỉnh Plei-Kou-Der. Đất đai của tỉnh này được chia làm 2 phần, một phần lập thành đại lý hành chính Kon Tum (gồm cả vùng đất hành chính của tỉnh Gia Lai ngày nay), nhập vào tỉnh Bình Định; phần còn lại lập thành đại lý hành chính Cheo Reo, nhập vào tỉnh Phú Yên.

Gần 6 năm sau đó, theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 9-2-1913 (số 214 và 215), thực dân Pháp lập tỉnh Công Tum (từ đây viết là Kon Tum) trên cơ sở đất đai của tỉnh Plei-Kou-Der cũ gồm toàn bộ đại lý Kon Tum (tách ra từ tỉnh Bình Định), đại lý Cheo Reo (tách ra từ tỉnh Phú Yên) cộng thêm đại lý Đak Lak (nguyên là một tỉnh hạ xuống thành đại lý). Tháng 2-1917, sau khi lập thêm tổng Tân Phong ở hữu ngạn sông Ba, chính quyền thực dân tổ chức huyện Tân An và chuyển giao phần đất này vốn trước thuộc tỉnh Bình Định về tỉnh Kon Tum.

Ngày 2-7-1923, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách đại lý Đak Lak ra khỏi tỉnh Kon Tum để lập lại tỉnh Đak Lak. Theo Nghị định Toàn quyền ngày 24-5-1925, đại lý hành chính Pleiku được thành lập thuộc tỉnh Kon Tum. Ngày 3-12-1929, theo Nghị định Khâm sứ Trung kỳ, thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum được thành lập. Ngày 24-5-1932, Nghị định Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía Nam tỉnh Kon Tum (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) để thành lập tỉnh Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai). Tòa Đại lý hành chính Pleiku theo đó cũng được đổi thành Tòa Công sứ. Ngày 12-12-1932, trên địa bàn tỉnh Pleiku, vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai (chủ yếu là đất đai của đại lý Pleiku cũ) và bổ nhiệm một Quản đạo, một Kinh lịch và ba Thừa phái để quản lý bộ phận người Kinh. Như vậy, Tòa Công sứ Pleiku lúc này gồm hai khu vực: Đạo Gia Lai của người Kinh và khu vực Pleiku, Cheo Reo của người Jrai. Riêng đại lý An Khê (gồm đất đai các huyện thị phía Đông Gia Lai ngày nay như Kbang, An Khê, Đak Pơ, Mang Yang, Kông Chro) cho đến Nghị định ngày 9-8-1943 mới tách khỏi tỉnh Kon Tum để nhập vào tỉnh Pleiku.

Dân cư

 

Chiều về buôn. Ảnh: Huy Tịnh
Chiều về buôn. Ảnh: Huy Tịnh

Nếu như trước đây, cao nguyên Pleiku (nơi mà nhiều nhà thám hiểm của người Pháp thường ghi là cao nguyên Jrai) chỉ có đồng bào Jrai và một bộ phận người Bahnar sinh sống, thì đến thời điểm này đã định hình một số làng xóm của người Kinh (Việt) ở 4 khu vực chính là: Tiên Sơn, An Phú, Mang Yang và Hội Phú. Những làng xóm của người Kinh ở thời điểm ấy thường chỉ có trên dưới 20 nóc nhà quây quần, đùm bọc lẫn nhau để có thể sinh tồn, giữa vùng đất thời đó vốn nổi tiếng là “rừng thiêng, nước độc”. Những căn bệnh khó tránh của vùng rừng núi như sốt rét, kiết lỵ... đã giết chết khá nhiều người.

Tác giả cuốn Kon Tum tỉnh chí là Võ Chuẩn-nguyên quản đạo tỉnh Kon Tum vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX-cho biết: “Trong các làng lập trước, nhiều chỗ nước độc địa lắm, người có chết mà không sinh ra thêm...”. Những con số thống kê sinh-tử ở tỉnh Kon Tum của Võ Chuẩn trong các năm 1931, 1932 đã minh chứng cho điều đó: Năm 1931, số sinh ra là 196 người, nhưng con số tử là 258 người; tương tự, năm 1932 số sinh là 200 người, trong khi đó số tử lên đến 260 người.

Mặc dù có những khó khăn, cản trở về khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, thú dữ… nhưng vì cuộc mưu sinh, nông dân người Việt ở đồng bằng vẫn tiếp tục lên Gia Lai lập nghiệp, làm cho dân số người Kinh ở Gia Lai ngày một tăng, trong đó có một bộ phận là những cu-li đồn điền, cu-li trên các công trường làm đường và một số người làm việc trong bộ máy của chính quyền thực dân.  

Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự có mặt của thực dân Pháp cũng làm cho các cộng đồng dân cư truyền thống bị xáo trộn. Nhiều làng buôn của người Jrai ở vùng Pleiku, Cheo Reo (Ayun Pa) đã phải chuyển cư đến những vùng xa hơn khi thực dân Pháp thiết lập các đồn binh, cướp đất lập đồn điền. Nhằm quản lý người dân, nếu như trong khu vực nông thôn người Kinh, thực dân Pháp tiến hành “cải lương hương chính” nhằm từng bước can thiệp trực tiếp vào công việc của làng xã, loại bỏ dần tính chất tự trị của nó, thì đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các nhà cai trị cũng lập các chủ làng, chánh tổng… và thông qua những người này để kiểm soát dân, thu thuế, bắt xâu.

Và kinh tế nông nghiệp

Bằng nhiều thủ đoạn dụ dỗ và mua chuộc đối với một số người thuộc tầng lớp trên, các nhà tư bản Pháp đã tiến hành tước đoạt đất đai, nương rẫy của các dân tộc để lập nên những đồn điền trồng cây công nghiệp, cây dược liệu và biến cư dân bản địa thành người làm thuê cho chúng. Riêng ở Gia Lai trong thời Pháp thuộc đã có 14 đồn điền và một sở thí nghiệm. Từ cuối thế kỷ XIX, tại An Khê, Công ty Delignon đã chiếm 531,6 ha đất ở Đak Jappau (Đak Chầu Bầu) để trồng chè và cao su. Sở Imát ở Mang Yang chiếm 210 ha. Đồn điền Đak Đoa, bao gồm cả đồn điền Biển Hồ thuộc Công ty Chè Đông Dương (Plantation Indochinois des thés = P.I.T.) thành lập ngày 4-3-1924 chiếm 500 ha. Ở Pleiku, vào những năm 30 có 2 hãng trồng chè là hãng S.T.I. (Sociéte des  Thés  de l’Indochine) và Công ty Nông nghiệp Chè và Cà phê tỉnh Kon Tum (Compagnie Agricole Des Thés  et cafés de KonTum-Annam = CATECKA) tức đồn điền chè Bàu Cạn, có tổng diện tích đất bao chiếm 3.500 ha. Ngoài ra còn có các đồn điền khác như: Đồn điền Hà Lòng thành lập ngày 4-5-1932 có diện tích 517 ha; đồn điền Suối Đôi thành lập ngày 13-11-1936 có diện tích 428 ha. Các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris và một số người Pháp cũng mở các đồn điền nhỏ (Concession) từ 50 đến 70 ha để trồng cây công nghiệp: Ở La Sơn có đồn điền Cố Cận (Nicolas-Linh mục Pháp) và ở Hà Bầu có đồn điền Cố Hiển (P. Corompt). Đến ngày 1-1-1931, dưới hình thức nhượng hẳn, nhượng tạm thời thực dân Pháp đã chiếm ở Gia Lai 25.540 ha đất đai màu mỡ để lập đồn điền.

Như vậy, chúng ta có thể hình dung, vào ngày 24-5-1932, khi tỉnh Gia Lai được thành lập, sau hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tại khu vực nay là thành phố Pleiku mới chỉ có một Tòa công sứ Pháp được xây cất tương đối khang trang. Xa xa là những xóm làng người Kinh thưa thớt, lay lắt dưới những cánh rừng. Đồng bào trong các làng dân tộc thiểu số bắt đầu biết đến việc phải đóng thuế, làm xâu. Chỉ có không khí khai thác đất đai, lập đồn điền của các nhà tư bản Pháp là sôi động.

So với 80 năm về trước, người Gia Lai có quyền tự hào về những gì đã làm được cho hôm nay và cho cả mai sau. 

Nguyễn Thị Kim Vân

Có thể bạn quan tâm