(GLO)- Thời gian qua, công trình cấp nước sinh hoạt tại nhiều địa phương trong tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp do chưa có sự phối hợp quản lý, vận hành, bảo dưỡng để công trình phát huy hiệu quả. Trong khi đó tại huyện Kbang, các cấp, ngành của huyện đã xây dựng được mô hình quản lý, sử dụng nước sinh hoạt ở tất cả các công trình được đánh giá cao.
Ảnh: Nguyễn Hồng |
Theo thống kê của Trạm Quản lý Thủy nông huyện Kbang, toàn huyện hiện có 46 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng tại 10 xã, cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho 3.946 hộ gia đình. Hiện có 4 công trình không thể sử dụng được, 3 công trình khác sử dụng không đúng theo thiết kế, 39 công trình đang sử dụng bình thường.
Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống đường ống vận chuyển dài, đi qua địa hình phức tạp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, việc quản lý khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gặp không ít khó khăn.
Ông Tạ Đức Hưng-Phó Trưởng trạm Thủy nông huyện Kbang nói: “Hiện tại, phương án quản lý sử dụng và vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện được người dân các xã hưởng ứng. Ngoài nguồn ngân sách huyện hỗ trợ, việc thu tiền sử dụng nước, dù ít nhưng đã “kích thích” mọi người có trách nhiệm hơn trong quản lý, bảo vệ công trình. Trạm còn đầu tư mua thêm các trang-thiết bị như máy hàn nhiệt nhựa, bộ đồ nghề sửa chữa để cung cấp cho các cộng tác viên kịp thời xử lý khi có sự cố hỏng hóc… Nhờ vậy, đến nay các công trình đều đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho người dân”. |
Để phát huy hiệu quả cao nhất, năm 2012, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang đã xây dựng phương án quản lý các công trình nhằm giảm thiểu kinh phí duy tu sửa chữa, kéo dài thời gian hoạt động. UBND huyện thành lập Trạm Quản lý Thủy nông chuyên quản lý các công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để khai thác. Mô hình được xây dựng bằng nhiều phương án phù hợp với đặc thù các xã như: Giao UBND xã trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo vệ công trình giao cho cá nhân ở các thôn, làng quản lý như tại các xã Sơ Pai, Lơ Ku, Tơ Tung. Một số xã giao nhiệm vụ quản lý này cho cán bộ, công chức xã kiêm nhiệm hoặc như xã Đông và Nghĩa An, việc quản lý này do nhân dân các thôn, làng bầu ra. Mục đích cao nhất là vận hành điều nước hợp lý, đáp ứng yêu cầu đời sống cho người dân thường xuyên kiểm tra theo dõi phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trong hệ thống công trình.
Để phương án khả thi, UBND các xã cùng người dân các thôn, làng tổ chức hội nghị dùng nước sạch. Sau đó cử một người ký hợp đồng làm cộng tác viên của Trạm để quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt. Nếu hư hỏng nhỏ, họ tự khắc phục sửa chữa, báo cáo về Trạm để tìm hướng xử lý. Đặc biệt, người dân tự xây dựng giá nước sinh hoạt từ 500 đến 1.000 đồng/m3, sau đó tự nguyện nộp tiền lại để trả lương cho cộng tác viên. Bình quân mỗi tháng, các cộng tác viên được thù lao từ 300 đến 400 ngàn đồng. Nhờ đóng góp này, người dân rất có trách nhiệm trong quản lý bảo vệ các công trình. Đến nay hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Hồng