(GLO)- Hồi ức lính (Nhà Xuất bản Trẻ, 2016). Hơn 40 năm kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, dù hàng loạt tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng ở nhiều thể loại đã được ra đời, thế nhưng câu hỏi: “Trong chiến tranh, người lính đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào?” dường như vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng. Đây chính là lý do để cựu chiến binh Vũ Công Chiến-một người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trên các chiến trường Nam Lào, Tây Nguyên và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử phải cầm bút ghi lại những gì ông “đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ, cảm nhận” trong suốt 6 năm quân ngũ.
Dưới “con mắt nhìn của một người lính bình thường”, chiến tranh và số phận của những con người can dự vào nó đã được tái hiện một cách hết sức chân thực, sống động với tất cả vẻ bi-hùng vốn có của nó trong “Hồi ức lính”. Không hề né tránh khi nhắc đến những “góc khuất” của cuộc chiến, nhưng trên hết, qua hồi ức của mình, Vũ Công Chiến muốn người đọc thấy được hình ảnh của một thế hệ thanh niên, trong đó có những thanh niên thủ đô vừa rời ghế nhà trường, sống đầy lý tưởng, dám chấp nhận gian khổ, hy sinh để vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.
Đọc “tôi” bên bến lạ (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam, 2016). Cuốn sách gồm 16 bài viết của PGS-TS Đoàn Cầm Thi về văn học Việt Nam đương đại đã được in rải rác trên các tạp chí trong và ngoài nước. Tuy được viết vào nhiều thời điểm nhưng tất cả các bài viết này đều tập trung vào việc khám phá về “sự trở lại của những cái “tôi” trong văn xuôi” Việt Nam từ năm 1986 đến nay thông qua sáng tác của các nhà văn: Trần Dần, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… Với cái nhìn mới mẻ, độc đáo cùng những so sánh đầy thuyết phục, Đoàn Cầm Thi đã dẫn dắt bạn đọc vào cuộc hành trình khám phá những cái “tôi” khác nhau, từ cái “tôi” phủ định, cái “tôi” lưu vong, cái “tôi” phi hư cấu đến khát vọng đi tìm cái “tôi” mới. Thông qua đó, người đọc không chỉ nhìn thấy sự vận động của nền văn xuôi đương đại Việt Nam mà còn thấy được khát vọng cách tân, sáng tạo mãnh liệt trong mỗi tác giả trên từng chặng đường sáng tác của họ.
Thùy Chi