(GLO)- Hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku có 2 bến xe chạy theo 2 tuyến huyện và liên tỉnh. Hàng ngày có hàng chục ngàn lượt khách đi lại khắp tuyến trong và ngoài tỉnh. Để phục vụ nhu cầu ăn uống cho hành khách trên các chuyến xe này, xung quanh các bến xe có nhiều quán hàng ăn uống như: cơm bình dân, bún, phở, bánh mì, quán cà phê-giải khát và cả những gánh hàng rong đồ ăn nhẹ như bánh hỏi, mì Quảng, bánh lá...
Điều dễ nhận thấy tại các quán hàng ăn uống này là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa đảm bảo, người bán hàng ít có kiến thức về ATVSTP và ý thức giữ gìn VSTP từ khâu nguyên liệu đầu vào, bảo quản, chế biến thực phẩm đến khâu thành phẩm chưa cao. Thường thì thức ăn đã được đun nấu, chế biến thành món hoàn chỉnh, chủ hàng bày ra cho khách lựa chọn nhưng không được che đậy, bảo quản cẩn thận khiến ruồi, bụi, khói... bám bẩn gây ô nhiễm và lây truyền một số bệnh dịch nguy hiểm cho cơ thể người ăn.
Ảnh: Bùi Hương Thảo |
Đã vậy, chỉ với vỏn vẹn hai xô nước, một xô để rửa chén bát bẩn lượt đầu và xô kia để tráng lại hết lần này đến lần khác các bát chén lượt sau… Thêm nữa xung quanh khu vực rửa chén bát nước bẩn cặn tù đọng, lẹp nhẹp, nhiều cửa hàng những chỗ này bề bộn thức ăn thừa, có chỗ để thực phẩm và thức ăn chưa sử dụng và các thùng nước cơm thừa, sọt rác để lẫn lộn gần nhau làm không khí nồng nặc mùi khó chịu, và đồ ăn bị mất vệ sinh trầm trọng.
Tại những quán bún phở và bánh mì, người bán thường chỉ dùng tay không là chính khi chế biến đồ ăn cho khách. Họ bốc, nhét thức ăn cho vào tô bún, phở, bánh mì... và cũng tay ấy họ thu tiền và làm nhiều việc khác mà không hề đeo găng tay vệ sinh. Đấy là chưa kể tới việc thức ăn bán trong ngày không hết sẽ được xử lý giữ lại để ngày hôm sau bán tiếp bằng những cách lưu trữ thô sơ chưa đảm bảo vệ sinh như úp vung để nguyên trong nồi, để trong hộp nhựa úp lồng bàn lên, bỏ bì ni lông cất tủ đá... hôm sau nấu lại. Chắc chắn với cách bảo quản như vậy, số đồ ăn còn lại đó trong thời tiết nóng nắng sẽ bị lên men, nấm mốc phát triển... gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hầu hết hành khách trên các chuyến xe đều biết thức ăn tại các quán này không đảm bảo ATVSTP, song vì thói quen ăn uống cho qua bữa nên họ nhắm mắt ăn liều cho xong và họ cũng không có những lựa chọn khác tốt hơn bởi ở bến xe nào tình trạng này cũng phổ biến. Chị Hà ở huyện Ia Sao đi về Thanh Hóa tâm sự: “Biết rằng thức ăn ở những quán xá nơi bến xe không đảm bảo ATVSTP nhưng vì nhỡ bữa, nhỡ chuyến nên tôi đành ăn cho qua bữa thôi. Ở đây ngay cả người bán hàng nhiều khi cũng chưa hiểu biết đúng thế nào là ATVSTP và áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSTP cho chính họ và gia đình họ thì làm gì có chuyện họ giữ gìn vệ sinh an toàn cho khách được, khuất mắt trông coi thôi cô ạ!”.
Để nâng cao ý thức về vấn đề ATVSTP cho người dân, các cấp chính quyền cần thực hiện một số biện pháp như: Tăng cường giáo dục về ATVSTP cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mở lớp huấn luyện bắt buộc và cấp chứng nhận về ATVSTP cho những người đang kinh doanh loại hình dịch vụ cung cấp thực phẩm nhỏ lẻ và những người bán hàng ăn, uống. Tăng cường kiểm tra công tác thực hiện và đảm bảo ATVSTP.
Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện ra các cơ sở, cá nhân không thực hiện, tuân thủ các quy tắc ATVSTP để người dân và khách du lịch khi đến địa phương yên tâm sử dụng các dịch vụ ăn uống ở những nơi công cộng. Vấn đề đảm bảo ATVSTP là một trong những điều cần thiết, tiên quyết để thu hút khách du lịch đến với tỉnh nhà hiện nay và lâu dài trong tương lai.
Bùi Hương Thảo