(GLO)- Để giúp người chăn nuôi có heo bị dịch tả châu Phi vượt qua giai đoạn khó khăn, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Thiệt hại nặng nề
Dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên trên địa bàn xã Chư Don (huyện Chư Pưh) vào ngày 14-5, sau đó tiếp tục lây lan sang nhiều địa phương khác. Đến nay, theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, dịch đã xảy ra tại 3.020 hộ ở 337 thôn, làng thuộc 91 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 26.246 con với khối lượng hơn 1.329 tấn.
Tiêu hủy heo bệnh tại xã Chư Don (huyện Chư Pưh). Ảnh: N.D |
Ngay khi dịch tả heo xuất hiện, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã xuất nguồn hóa chất dự trữ cấp cho các địa phương để chủ động triển khai biện pháp phòng-chống dịch như: rắc vôi, tiêu độc khử trùng. Các địa phương có dịch cũng đã lập các chốt kiểm soát tạm thời. Nhờ tích cực triển khai công tác phòng-chống dịch, đến nay, có 21 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi vẫn còn đang xảy ra tại 2.789 hộ ở 298 thôn, làng thuộc 77 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, từ ngày 1 đến 22-8, lượng heo mắc bệnh rất lớn, trung bình mỗi ngày phải tiêu hủy gần 40 tấn heo. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn huyện Đak Pơ và Kông Chro chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Các địa phương khác vẫn đang tiếp tục nỗ lực phòng-chống dịch, không để lây lan trên diện rộng cũng như tái phát tại những vùng đã công bố hết dịch.
Tìm giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi
Trên cơ sở quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh, đến thời điểm này, một số địa phương đã chủ động xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Cụ thể, huyện Đức Cơ đã xuất ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi heo bị thiệt hại, huyện Chư Prông trên 339 triệu đồng, huyện Krông Pa 140 triệu đồng, TP. Pleiku trên 313 triệu đồng, thị xã An Khê trên 176 triệu đồng… Các địa phương khác cũng đang thống kê số hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại để xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ.
Mới đây, liên sở Tài chính, Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 358/TTr-LS:TC-NNPTNT đề xuất tạm ứng kinh phí ngân sách tỉnh để hỗ trợ phòng-chống dịch tả heo châu Phi cho các địa phương trên địa bàn tỉnh đợt 1 từ ngày 14-5 đến 15-8. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ phòng-chống dịch tả heo châu Phi là hơn 16,9 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, tương đương hơn 13,52 tỷ đồng; ngân sách địa phương đảm bảo 20%, tương đương hơn 3,38 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí hỗ trợ hộ chăn nuôi khôi phục sản xuất là gần 12,5 tỷ đồng; kinh phí mua vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng-chống dịch hơn 1,7 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ ngày công lao động cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia phòng-chống dịch hơn 2,6 tỷ đồng. Trong khi chờ kinh phí của Trung ương bổ sung cho tỉnh để kịp thời hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phòng-chống dịch tả heo châu Phi đợt 1-2019, Sở Tài chính cùng Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh xuất ngân sách tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố tạm ứng trên 9,4 tỷ đồng. Về nguồn ngân sách địa phương đảm bảo 20%, đề nghị UBND tỉnh xuất từ nguồn ngân sách dự phòng tỉnh cấp bổ sung trên 2,7 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương thực hiện. Hai sở cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tự cân đối, đảm bảo ngân sách địa phương để thực hiện.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính-cho biết: Từ khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương chủ động xuất nguồn ngân sách dự phòng để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác phòng-chống dịch bệnh chứ không chờ cấp trên. Bên cạnh đó, Sở đã có công văn hướng dẫn các địa phương hỗ trợ đúng, kịp thời cho người chăn nuôi heo bị thiệt hại theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt, tại cuộc họp mới đây với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính đã đề xuất các địa phương nếu thiếu nguồn heo con giống để tái đàn từ nay đến Tết Nguyên đán 2020 thì liên sở Tài chính, Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ heo giống từ Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, hạn chế việc người dân mua heo con giống trôi nổi trên thị trường dễ bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại.
NGUYỄN DIỆP