(GLO)- Xây dựng những căn nhà nghĩa tình cho các gia đình nạn nhân da cam, tiếp sức cho những mảnh đời kém may mắn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, kết nối những tấm lòng hảo tâm với tất cả niềm tin và trách nhiệm… là những việc làm thiết thực mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã làm được trong thời gian qua.
Nhắc đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê, ông Lê Văn Kỳ (47 tuổi, ở làng T’Nung, xã Hbông) không khỏi xúc động. Ông Kỳ chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi ở gần Sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), là nơi quân đội Mỹ tập kết các máy bay đi phun rải chất diệt cỏ (dioxin) trong thời gian chiến tranh, những vùng dân cư sinh sống quanh đó phần nào cũng bị ảnh hưởng. Sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi sinh được 4 đứa con thì 2 đứa bị ảnh hưởng của di chứng da cam, trong đó, một đứa bị câm điếc bẩm sinh, không kiểm soát được hành vi của mình, một đứa không tự sinh hoạt được phải có người chăm sóc hàng ngày. Năm 1997, vợ chồng tôi lên Chư Sê lập nghiệp, phải làm việc cật lực để có tiền cho hai đứa con đi học và dồn tiền chạy chữa những cơn đau cho hai đứa con bị nhiễm bệnh, cuộc sống rất khó khăn”.
Nhờ sự hỗ trợ của Huyện hội, gia đình ông Lê Văn Kỳ có điều kiện để ổn định cuộc sống. Ảnh: P.L |
Năm 2011, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Kỳ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã hỗ trợ một con bò để giúp gia đình phát triển chăn nuôi. Năm 2013, Hội tiếp tục cho vay 25 triệu đồng để gia đình ông có điều kiện phát triển kinh tế từ cây tiêu, cà phê và mì. Nhờ sự hỗ trợ đó, đến thời điểm này, gia đình ông Kỳ đã có 700 cây cà phê, 200 trụ tiêu, mấy sào mì và 3 con bò đang sinh sản, kinh tế của gia đình ông cũng đã bớt khó khăn hơn trước. “Nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện hỗ trợ nên kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn. Tuy không thể chữa trị hết bệnh cho các con, nhưng từ sự hỗ trợ này, gia đình tôi có điều kiện để chăm sóc các con tốt hơn”-ông Kỳ nói.
Không chỉ riêng gia đình ông Kỳ, nhiều gia đình nạn nhân da cam trên địa bàn huyện Chư Sê cũng được Huyện hội quan tâm, giúp đỡ để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Trong 5 năm (2011-2016), Huyện hội đã hỗ trợ cho 150 gia đình nạn nhân với số tiền 1,26 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất chăn nuôi (trung bình một hộ từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng). Tuy số vốn hỗ trợ không nhiều, nhưng với cách làm phù hợp nên vẫn mang lại hiệu quả. Nhiều hộ được hỗ trợ đã có việc làm, chăn nuôi cho thu lãi 10-15 triệu đồng/năm, một số hộ đã thoát nghèo, nhà ở được sửa sang nâng cấp; việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam cũng tốt hơn.
Hiện tại, 15/15 xã, thị trấn của huyện Chư Sê đều có người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin với gần 1.000 đối tượng. Để hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam phát triển kinh tế, hàng năm, Huyện hội đã kêu gọi sự chung tay, góp sức từ các cấp, các ngành. Theo đó, từ khi thành lập đến nay (thành lập năm 2006), huyện đã chi cho công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ở địa phương gần 3,5 tỷ đồng để tặng 3.500 suất quà; trợ cấp, khám-chữa bệnh, phục hồi chức năng, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ học sinh là nạn nhân chất độc da cam, xây dựng 6 nhà tình nghĩa... Huyện hội cũng đã vận động được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ quỹ “Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được gần 3 tỷ đồng, đã hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân, tiếp thêm nguồn lực để họ phát triển kinh tế gia đình, yên tâm chăm sóc người thân là nạn nhân chất độc da cam.
Ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê cho biết: Ngoài chính sách trợ cấp của Nhà nước cho các nạn nhân, chúng tôi còn thường xuyên vận động, kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để có thêm kinh phí giúp đỡ các hội viên.
Phan Lài