Đến với "Kiếp cầm ca"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ đến với “Kiếp cầm ca” bằng nhiều cơ duyên khác nhau, với nhiều dòng nhạc khác nhau. Nhưng trên hết, họ đã tìm thấy niềm vui trên sân khấu và quan trọng hơn là tiếng hát của họ đã được công chúng Phố núi ghi nhận từ nhiều năm nay.

Ca sĩ Thùy Dương với chất giọng Soprano (nữ cao) đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Trong thời gian công tác tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai, năm 2005, Thùy Dương tham gia cuộc thi Sao Mai và cô sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội ngày nào đã lọt vào chung kết xếp hạng cuộc thi âm nhạc lớn này. Cùng với thành công đó thì những ca khúc như: Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Bóng cây kơ nia, Đất nước tình yêu, Sức sống Trường Sa, Lướt sóng ra khơi, Nơi đảo xa… đã giúp cô phô diễn được chất giọng Soprano. Cái tên Thùy Dương từ đó đứng vững trong lòng những khán giả yêu dòng nhạc cô theo đuổi.

 

Ca sĩ Thùy Dương, Y Tuấn và Phi Vân (từ trái sang). Ảnh: N.G
Ca sĩ Thùy Dương, Y Tuấn và Phi Vân (từ trái sang).

Ngoài ra, bên cạnh một Thùy Dương đắm mình trong những ca khúc truyền thống trên những sân khấu của các hội nghị, hội diễn, hết mình với nhiệm vụ biên đạo thì công chúng lâu nay cũng đã biết đến một Thùy Dương sâu lắng, trữ tình trong Trở về mái nhà xưa, Tình ca của Phạm Duy, Suối mơ của Văn Cao, Đêm đông của Nguyễn Văn Thương… trên các sân khấu âm nhạc khác của TP. Pleiku.

Khác với ca sĩ Thùy Dương, ca sĩ Y Tuấn là một tay ngang thực thụ và đang hoạt động tự do. Anh được gọi là “Chàng kỹ sư hát” bởi anh đã từng tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Vậy nhưng Y Tuấn cũng đã từng giành giải ba cuộc thi tuyển chọn giọng ca của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vào năm 2011. Ca sĩ Y Tuấn đến với những sân khấu âm nhạc của Phố núi Pleiku chỉ mới 3 năm trở lại đây nhưng anh đã thực sự yêu và gắn bó. “Cái tình của Phố núi này, những con người cùng với phong cách sống hào sảng, chân thành ở đây đã níu bước chân thích phiêu lưu của Y Tuấn”-anh cười nói.

“Chàng kỹ sư hát” là một người con của cố đô Huế, được sinh ra, lớn lên trên cao nguyên bạt ngàn nắng gió Đak Lak và chinh phục khán giả Phố núi Pleiku bằng những ca khúc trữ tình, lắng đọng của Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng… “Khi đứng trên sân khấu, Y Tuấn không còn là chính mình mà đã là một nhân vật đa sầu, đa cảm trong Anh còn nợ em, Áo anh sứt chỉ đường tà, Thuở ấy có em, Đêm đông... Phong cách diễn của Y Tuấn thực sự lôi cuốn vì trong từng cử chỉ, từng ánh mắt biểu cảm của Y Tuấn đều hướng đến ánh mắt của khán giả”-đó là nhận xét của MC Nguyễn Sơn dành cho ca sĩ Y Tuấn.


Và khi nhắc đến những “giọng ca vàng” của Phố núi mà không nhắc đến nữ ca sĩ Phi Vân thì sẽ là một thiếu sót lớn. Cô đang được những người yêu nhạc Pleiku gọi với cái tên “Như Quỳnh Phố núi”, nhưng riêng tôi gọi cô là “Nữ hoàng Bolero Phố núi”, bởi cô là nữ ca sĩ duy nhất đã chinh phục được nhiều khán giả nghe nhạc với dòng nhạc này dù không được đào tạo bài bản. Hình ảnh Phi Vân đứng trên sân khấu, thướt tha tà áo dài với mái tóc ngang lưng được nữ chủ nhân điệu đà vuốt qua vai đã là một hình ảnh thân thương, quen thuộc. Giọng ca buồn của Phi Vân cất lên những ca từ “Khi biết em mang kiếp cầm ca/ Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người người/ Bỏ tiền mua vui/ Hỏi rằng anh ơi/ Còn yêu em nữa không?” trong Tình lỡ... hay những câu hát đậm chất Bolero của Cho người tình nhỏ, Duyên phận, Nối lại tình xưa… làm người nghe như được lắng đọng cùng giọng hát mượt mà.

Phi Vân đã được những người yêu nhạc gọi là ca sĩ từ lâu nhưng cô chỉ khiêm tốn: “Hãy gọi Vân là một giọng hát chứ là ca sĩ thì Vân không dám nhận vì Vân không được đào tạo bài bản, tất cả những gì Vân có là một chất giọng tốt, hợp với dòng nhạc Bolero và Vân đã luôn hát bằng tất cả niềm đam mê với âm nhạc”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm