Đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) để giữ lại một di chỉ có quy mô lớn nhất, quan trọng nhất thuộc phức hệ các di tích Tiền Đông Sơn và Đông Sơn.

(Ảnh nguồn: Vanhien.vn)
(Ảnh nguồn: Vanhien.vn)



Vấn đề bảo tồn càng trở nên bức thiết hơn khi di chỉ này nằm trong diện tích đất được giao xây dựng khu đô thị Kim Chung-Di Trạch, nguy cơ mất đi một di chỉ có giá trị.

Trước sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội, ngày 11-7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Di chỉ khảo cổ học được giao xây dựng khu đô thị

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối nằm trên cánh đồng thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có diện tích 19.000m2.

Di chỉ này nằm liền kề với một số di tích khác như gò Chùa Gio, gò Chiền Vậy, gò Rền Rắn...

Sở dĩ các nhà khoa học khẳng định đây là di chỉ có giá trị quý bởi di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có niên đại kéo dài hơn 1.000 năm lịch sử, từ giai đoạn cuối của văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn.

Về mặt lịch sử, di chỉ này tương ứng với lịch sử thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước.

Trong bối cảnh dựng nước và giữ nước đầu tiên, có thể xem phức hợp di tích này là dấu tích của trung tâm tụ cư, trung tâm văn hóa quan trọng ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Kể từ khi được phát hiện và khai quật lần đầu năm 1969, tính đến nay, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đã trải qua 8 lần khai quật với diện tích 800 m2 do Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện. Lần khai quật gần nhất là vào năm 2014.

Quá trình khai quật, các nhà khoa học phát hiện tồn tại ít nhất ba tầng văn hóa từ Đồng Đậu đến Đông Sơn.

Các dấu tích như hố đất đen, cụm gốm, mặt bằng gốm đất nện, mộ táng... cùng các di vật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau cho thấy giá trị rất lớn của di chỉ này.

Mặc dù vậy, nhiều người cũng đặt câu hỏi, từ khi được phát hiện đến nay là cả một khoảng thời gian dài nhưng cơ quan chức năng chưa có động thái trong việc bảo tồn khu di chỉ Vườn Chuối.

Các nhà khoa học đã đề nghị các cơ quan chức năng bảo tồn nhưng sự việc vẫn “rơi” vào im lặng.

Trong khi đó, năm 2007, tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch với tổng diện tích 145,8ha bao trùm lên cả di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Mặc nhiên, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối nằm trên đất sở hữu của doanh nghiệp và nhiều người lo ngại nguy cơ xóa sổ di chỉ này.

Đến khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch chung của Thủ đô và đang thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị.

Hiện diện tích của di chỉ khảo cổ học chưa bị tiến hành xây dựng nhưng đang bị xâm hại và tiếp tục đe dọa sự tồn tại của di chỉ.

Bản thân chủ đầu tư khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã không đề cập đến di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Thảo, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, chủ đầu tư đã trình cơ quan này bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng không có yếu tố liên quan đến di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối; hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang thẩm định, lấy ý kiến của các ngành liên quan để sắp tới trình thành phố.

Vì vậy, nếu ngành Văn hóa không khẩn trương tham gia ý kiến vào bản điều chỉnh quy hoạch khu đô thị, sẽ không có cơ sở để đề xuất bảo tồn.

 

Áp lực từ sự xâm hại

"Số phận" của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đang phụ thuộc nhiều vào việc triển khai xây dựng của chủ đầu tư Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch và việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết sắp được trình thành phố Hà Nội phê duyệt.

Trong khi chờ quyết định cuối cùng mà thành phố phê duyệt, di chỉ này vẫn tiếp tục bị xâm hại.

Trước đây, Vườn Chuối là cánh đồng canh tác, trồng trọt hoa màu và khu nghĩa trang của người dân địa phương. Khi được giao xây dựng dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, một số hộ dân vẫn tiếp tục trồng cây lâu năm, cây ăn quả.

Ngoài ra, khu vực này còn xây dựng một trạm trộn bê tông phục vụ công tác thi công các hạng mục trong khu đô thị.

Theo Tiến sĩ Bùi Hữu Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, việc đào hố trồng cây cũng như móng công trình đã phá hủy trực tiếp tầng văn hóa của di tích.

Tiến sỹ cũng lưu ý, thời gian càng lâu, cây càng phát triển bao nhiêu thì rễ cây sẽ càng ăn sâu, lan rộng bấy nhiêu, mức độ của sự phá hủy tầng văn hóa ngày càng lớn hơn, nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, từ năm 2008-2014, khu vực này bùng phát tình trạng đào trộm đồ cổ và hiện vẫn còn âm ỉ. Những người đào trộm đồ cổ thường hoạt động về đêm hoặc buổi trưa và hoạt động manh động, sẵn sàng thỏa thuận ăn chia với người dân thậm chí giả danh nhà nghiên cứu di sản để lừa người dân.

Dù tình trạng này hiện đã lắng xuống song chính quyền cần sát sao trong việc bảo vệ di chỉ.

Một điều đáng lo ngại khác như ông Lương Công Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Chung cho biết, dự án đường 3,5m nối từ Quốc lộ 32 đến Đại lộ Thăng Long đã được quy hoạch.

Nếu dự án này được khởi công xây dựng rất có thể đi vào khu vực Vườn Chuối, ảnh hưởng đến bảo tồn di chỉ.

Hài hòa bảo tồn và phát triển kinh tế

Tại cuộc tọa đàm, rất nhiều ý kiến của các nhà khảo cổ học, nhà quản lý văn hóa đưa ra xoay quanh những đề xuất bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.

Do các cuộc khai quật từ trước tới nay mới ở quy mô nhỏ nên các nhà khoa học đề xuất cần có nghiên cứu tổng thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối và đây là cơ sở khoa học vững chắc đề xuất các hướng giải pháp phù hợp.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn di chỉ và phát triển kinh tế.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện Trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, việc bảo tồn phải bắt đầu từ khảo sát, thăm dò, khai quật sau đó đề xuất bảo tồn vùng lõi, vùng phụ cận, vùng đệm cho phù hợp đảm bảo công tác bảo tồn không ngăn cản quá trình phát triển kinh tế.

Đồng tình với quan điểm cần có nghiên cứu tổng thể, phó giáo sư, tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng nêu một số giải pháp cấp bách trước mắt.

Đó là tiến hành sưu tầm, tập hợp toàn bộ các hồ sơ, di tích, di vật đã nghiên cứu và các di tích trong khu vực để sơ bộ đánh giá giá trị của di tích, sau đó điều tra, thám sát khảo cổ học kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng và tiềm năng của di tích.

Từ đó, bảo tồn theo hướng bảo tồn tổng thể tại chỗ toàn bộ di tích nếu hiện trạng của di tích tốt; bảo tồn từng phần di tích có hiện trạng tốt; nếu di tích đã bị xâm hại về cơ bản, kiến nghị khai quật di dời tổng thể di tích, di vật về Bảo tàng Hà Nội.

Các nhà khoa học cũng nêu quan điểm, có thể đề xuất thành phố yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch khu đô thị nhằm giữ lại di chỉ khảo cổ học hoặc tại mỗi khu đô thị đều cần không gian xanh, chủ đầu tư có thể biến khu di chỉ này thành công viên để vừa bảo tồn được di chỉ, vừa đảm bảo lợi ích cho khu đô thị.

Trước những đề xuất này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, công tác bảo tồn phải hài hòa với phát triển.

Trước mắt, khu vực này cần tiếp tục được thám sát, nghiên cứu. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho triển khai thám sát tổng thể 19.000m2.

Sở sẽ hoàn thiện, tập hợp hồ sơ khoa học về khu khảo cổ học Vườn Chuối, thu thập hiện vật trong quá trình 8 lần khai quật khảo cổ để trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Sở cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tính toán điều chỉnh quy hoạch chi tiết mới thông qua hội đồng thẩm định quy hoạch kiến trúc.

Dù việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc của các nhà khoa học, của ngành Văn hóa Thủ đô, tin rằng, di chỉ này sẽ không bị lãng quên.

 

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.