(GLO)- Bệnh lao hiện nay không phải là bệnh nan y mà có thể chữa khỏi chỉ sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên trong quá trình điều trị nếu bệnh nhân không hợp tác và uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì rất dễ nảy sinh tình trạng bệnh lao kháng thuốc. Một khi đã bị kháng thuốc việc điều trị bệnh càng thêm khó khăn và tốn kém.
Thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, trung bình hàng năm, Gia Lai phát hiện trên 600 bệnh nhân lao mới chủ yếu từ khám phát hiện ở tuyến cơ sở chuyển lên hoặc do tuyến tỉnh chủ động tổ chức các đợt khám sàng lọc. Ngoài công tác khám phát hiện thụ động thì tín hiệu đáng mừng trong những năm gần đây là số người nghi ngờ mắc lao chủ động đến các cơ sở để khám và làm xét nghiệm đờm ngày càng tăng và tăng số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị tại tỉnh chỉ vào khoảng 3% nên tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc tại Gia Lai cũng không đáng kể.
Ảnh: Như Ý |
Dù tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị tại tỉnh không cao nhưng vấn đề bệnh lao kháng thuốc cũng là một vấn đề hết sức quan ngại. Tình trạng lao kháng thuốc, hay nói dễ hiểu hơn là bệnh nhân bị kháng với thuốc trị bệnh lao. Kháng thuốc là khi vi trùng lao trong cơ thể chúng ta kháng-chống lại với một hay nhiều loại thuốc lao. Có những bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao đa kháng thuốc”, và có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là “lao siêu kháng thuốc”. Tùy theo mức độ kháng thuốc mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị khác nhau cho bệnh nhân.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Lao-Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, để nhận biết tình trạng lao kháng thuốc, các bác sĩ sẽ tiến hành cho bệnh nhân làm xét nghiệm nuôi cấy vi trùng lao và kháng sinh đồ lao. Có nghĩa là phòng xét nghiệm sẽ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân (đàm, dịch cơ thể…) để tìm vi trùng lao, sau đó khi vi trùng lao mọc lên, chúng sẽ được thử với các loại thuốc lao xem “nhạy” với thuốc nào và “kháng” với thuốc nào. Quá trình nuôi cấy vi trùng và thử thuốc lao này mất khoảng 2 đến 3 tháng mới có kết quả. Như vậy, thông thường thì bác sĩ sẽ không thể biết được bạn có kháng thuốc lao hay không, khi bạn vừa mới được phát hiện bệnh lao. Có một số nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc như do bản thân người bệnh không tuân thủ đúng theo điều trị, do vi trùng lao…
Điều trị bệnh lao thông thường đã rất tốn kém thì việc điều trị lao kháng thuốc lại càng tốn kém hơn. Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng. Điều trị lao kháng thuốc cần kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường và các thuốc lao hàng hai dùng trong điều trị lao kháng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn và cần được theo dõi nhiều hơn. Chính vì vậy, để đề phòng bệnh lao kháng thuốc, bệnh nhân không được tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ. Có thể một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì nhưng thực tế, bệnh nhân không biết rằng vi trùng lao “sống dai” và rất nguy hiểm. Sau một thời gian ẩn mình và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại và nguy cơ người bệnh bị lao kháng thuốc có thể xảy ra và bệnh sẽ nguy hiểm hơn lúc phát bệnh lao ban đầu.
Để chữa khỏi bệnh lao và đề phòng lao kháng thuốc, khi thấy các dấu hiệu như trong người mệt mỏi, gầy sút nhanh, ăn uống kém, ho kéo dài không rõ nguyên nhân mặc dù đã dùng thuốc trị ho và dùng kháng sinh cần nghĩ đến bệnh lao và cần đến ngay Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) để được tư vấn và điều trị.
Như Ý