Để Gia Lai phát triển vững mạnh toàn diện*

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(Bài phát biểu của ông Hà Sơn Nhin- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII).
Trước hết, tôi thống nhất với báo cáo bổ sung tình hình kinh tế- xã hội năm 2009 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2010 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Sau đây, tôi phát biểu 4 vấn đề cụ thể:
 
Về công tác xóa đói, giảm nghèo
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp về chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; triển khai Nghị quyết Trung ương về “tam nông”. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 30a về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong toàn quốc. Đây là một nghị quyết phù hợp với lòng dân, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo đối với các huyện, xã nghèo trong toàn quốc, tôi đề nghị Chính phủ bổ sung, mở rộng hỗ trợ các huyện, xã không nằm trong diện 62 huyện này, nhưng có điều kiện khó khăn tương tự được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a để vùng núi, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội thoát nghèo nhanh hơn, góp phần giải quyết chênh lệch khoảng cách giữa các vùng, miền.
Để Gia Lai phát triển vững mạnh toàn diện* ảnh 1
 
Về chính sách hỗ trợ đối với người trồng cà phê

Trong 3 năm gần đây, sản lượng cà phê nước ta đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu 1 đến 2 tỷ đô la Mỹ/năm. Trong quý I-2010, xuất khẩu cà phê giảm 22,3% về lượng và 27,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009; đơn giá xuất khẩu cà phê bình quân cũng giảm 7,4%, chỉ còn khoảng 1.300 đô la Mỹ/tấn. Hiện nay, diện tích cà phê tập trung lớn nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên. Giá xuất khẩu cà phê thấp đã ảnh hưởng đến đời sống của người trồng cà phê. Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai trước kỳ họp này, cử tri cho rằng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, tạm trữ cà phê không khả thi trong thực tế, bởi vì:
-Nhiều doanh nghiệp thương mại thiếu vốn mua cà phê, do đã vay hết hạn mức vay của các ngân hàng thương mại và không còn tài sản để thế chấp vay mới. Mặt khác, doanh nghiệp không muốn mua tạm trữ cà phê, vì nếu giá xuống thấp khi bán bị lỗ thì chưa có quy định bù lỗ cho doanh nghiệp.
-Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp, tính trên số lượng cà phê, trong khi doanh nghiệp không trực tiếp mua cà phê của nông dân mà thông qua thương lái. Thương lái lại ép giá mua của nông dân để bán lại cho doanh nghiệp kiếm lợi nhuận cao.
-Do vậy, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người trồng cà phê như: Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người trực tiếp sản xuất cà phê; tăng thêm thời hạn vay từ 3 năm đến 5 năm để người dân có điều kiện chăm sóc, đầu tư tăng năng suất cà phê, cũng như chính sách hỗ trợ người trồng lúa đảm bảo có lãi 30% ở đồng bằng sông Cửu Long để duy trì nguồn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
-Mặt khác, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quỹ bảo hiểm nông nghiệp nhằm kịp thời, chủ động bù đắp rủi ro, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân nói chung và người trồng cà phê nói riêng.
Về việc xây dựng các công trình thủy điện
Qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai về việc xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, cho thấy một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết như sau:
- Mùa mưa lũ sắp đến, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quy trình quản lý, vận hành liên hồ các hồ chứa thủy điện được xây dựng trên cùng một dòng sông, nhằm đảm bảo việc vận hành an toàn đập, bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất và đời sống của nhân dân; khắc phục tình trạng mùa mưa thì hồ thủy điện xả nước gây lũ, lụt; mùa khô thì tích trữ nước gây hạn hán ở vùng hạ du.
-Nghiên cứu hình thành tổ chức quản lý, điều phối nguồn lợi các dòng sông, đặc biệt là sông chảy qua nhiều tỉnh, vì hiện nay việc quản lý khai thác bảo vệ các nguồn lợi từ sông được xác định theo địa giới hành chính mà không có một tổ chức để thống nhất quản lý, khai thác, bảo vệ các nguồn lợi nên gây ra tác động bất lợi đối với môi trường sinh thái và đời sống dân cư lưu vực sông.
-Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá cụ thể, toàn diện mặt được và chưa được đối với môi trường sinh thái, môi trường xã hội và điều kiện sản xuất, đời sống của nhân dân, đặc biệt là các hồ, đập công trình thủy điện chuyển dòng chảy. Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với các dự án thủy điện lớn và trên các lưu vực sông hoặc liên quan đến nhiều địa phương.
-Công tác bảo vệ và phát triển rừng trong vùng dự án thủy điện còn nhiều bất cập. Các chủ đầu tư hầu như không thực hiện việc trồng lại rừng để bù lại diện tích rừng bị mất do thực hiện dự án thủy điện theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 23 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chủ đầu tư trích từ lợi nhuận sản xuất thủy điện để tham gia với địa phương trồng lại rừng đã bị mất trên địa bàn có công trình thủy điện.
-Việc xây dựng các công trình thủy điện, nhất là thủy điện lớn đã làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng và mất rừng. Hệ quả là: Đất sản xuất nông nghiệp giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng dự án; đồng thời là tác nhân làm giảm diện tích rừng và đất rừng, do phá rừng để lấy đất sản xuất; Diện tích rừng bị mất (nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ) là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái và dẫn tới khô hạn, cạn kiệt nguồn nước hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ, lụt.
Đề nghị Chính phủ cần có sự rà soát cụ thể các công trình thủy điện, xem xét trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và yêu cầu phát triển bền vững thì sản xuất điện năng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường đều là các giá trị cần được giải quyết hài hòa, cân đối và theo hướng lâu bền.
Sắp xếp, đổi mới hoạt động của các nông- lâm trường quốc doanh
Cần kịp thời có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tôi muốn nói đến quá trình sắp xếp, đổi mới mô hình doanh nghiệp nông- lâm trường quốc doanh theo Nghị định 135 năm 2005 của Chính phủ trong cả nước nói chung và ở Gia Lai nói riêng còn nhiều lúng túng và thiếu đồng bộ. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện nay quy định về cơ chế hoạt động, xác định giá trị vườn cây chưa rõ ràng. Do đó, các doanh nghiệp không chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, không tự chủ được về tài chính, đặc biệt các công ty lâm nghiệp tuy đã thay tên, nhưng do mô hình một nửa kinh doanh, một nửa công ích nên cơ chế quản lý đất đai, tài nguyên chưa cụ thể. Tình trạng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, vướng mắc trong vay vốn nên hầu hết việc kinh doanh kém hiệu quả, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.
Đề nghị Chính phủ sớm tổng kết thực hiện Nghị định 135 để bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới, nhằm tạo cơ sở cho các nông-lâm trường phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và ổn định.
*Đầu bài do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.

Cán bộ cấp cơ sở của huyện Ia Grai nghe quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh: T.N

Ia Grai chuẩn bị đại hội Đảng các cấp gắn với xây dựng hệ thống chính trị

(GLO)- Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đảm bảo theo các chỉ đạo, quy định và hướng dẫn của cấp trên.

Giảm 189 đơn vị đầu mối sự nghiệp công lập

Gia Lai: Giảm 189 đơn vị đầu mối sự nghiệp công lập

(GLO)- Sáng 29-11, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình hành động số 64-CTr/TU, ngày 5-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.