(GLO)- Năm 2015, một trong những nhiệm vụ mà Đảng bộ Gia Lai tập trung chỉ đạo thực hiện là Chỉ thị 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Từ cơ sở, các phong trào thi đua yêu nước được phát động để chào mừng đại hội các cấp, các Đảng bộ bắt tay vào việc tổng kết, đánh giá lại những việc làm được, chưa làm được trong 5 năm qua, kể từ Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến những nét cơ bản trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.
Những con số biết nói
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Năm cuối nhiệm kỳ 2015 là năm chúng ta tiếp tục gánh chịu không ít khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình hình biên giới, hải đảo và an ninh chính trị tìm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đời sống của một bộ phận đồng bào chưa được cải thiện nhiều. Thế nhưng, cái khó đã không thể bó hết cái khôn, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội do Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đề ra đã hoàn thành, không ít chỉ tiêu vượt dự định. Tại Đại hội XV vừa qua của Đảng bộ tỉnh đã nhìn nhận thận trọng và khách quan, cho thấy những con số đáng quan tâm: quy mô nền kinh tế tỉnh nhà tăng gấp 2,54 lần so với năm 2010; GDP đạt bình quân hàng năm tăng 12,81%.
Từ những con số nói trên, nhìn vào đời sống thực tế của đa số người dân, có thể thấy đâu đó vẫn chưa hài lòng, song đây là “những con số biết nói”, minh họa cho sự phát triển của những lĩnh vực khác, như: cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch theo hướng tăng, ngược lại nông nghiệp giảm, đấy là một sự chuyển dịch mà theo các nhà kinh tế là đúng hướng, có lợi cho nền kinh tế, cũng đồng thời phù hợp với xu thế phát triển ngày nay. Tại Đại hội XV vừa rồi, khá nhiều tranh luận của các đại biểu khi mà báo cáo chính trị nêu lên những con số lạc quan. Song không thể phủ nhận những gì trong suốt nhiệm kỳ đã qua cả hệ thống chính trị đã làm được.
Gia Lai là một tỉnh nằm về Bắc Tây Nguyên, diện tích rộng vào thứ nhì của cả nước, nhưng dân số chủ yếu sống ở nông thôn, nhất là tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao thì việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là điều không thể không chú ý. Đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, nhằm dần dần cải thiện về thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa kém sức cạnh tranh trong khi kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng và các cam kết quốc tế và khu vực trong tương lai gần sẽ tháo bỏ nhiều lực cản từ thuế xuất và nhập khẩu… cho nên giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010-2015 tăng bình quân 7,2%/năm, gấp 1,41 lần so với năm 2010 là sự đầu tư thích đáng, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, bằng 70,7% bình quân chung cả nước.
Tiếp tục định hình và phát triển ổn định nhiều vùng chuyên canh các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, đó là nhận định của Đại hội XV trong giai đoạn đã qua. Liên tục trong mấy năm rồi, thị trường sản phẩm nông nghiệp thế giới và trong nước có vẻ như đã bão hòa, đôi khi giá cả tăng, giảm bấp bênh, ngành nông nghiệp và nông dân cả nước lo ngại. Nhưng, chấp nhận phát triển và hội nhập thì không thể tránh khỏi sự tác động tương ứng của thị trường vào sản xuất. Vấn đề là ở chỗ, nếu nhìn thấy và khéo “lách” thì kinh tế thị trường sẽ là công cụ thúc đẩy sản xuất phát triển theo một quy luật của riêng nó; nếu không, rủi ro, thất bại là khó tránh. Nhưng như đã nói trên, là một tỉnh nông nghiệp, điểm xuất phát rất thấp, đời sống người dân chưa được cải thiện nhiều thì nông nghiệp không thể bỏ ngỏ là đúng đắn.
Có mới không nới cũ
Vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy |
Trong cơ chế thị trường, sự phát triển của khoa học và công nghệ, việc ứng dụng nó cho sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp ngày nay đã đạt rất nhiều thành quả. Ngay như ở Gia Lai, với sự nhanh nhạy trong đầu tư, tìm kiếm cơ hội làm giàu trên chính vùng đất vốn chỉ dành cho những cây, con truyền thống, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhanh chóng và mạnh dạn chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp-chăn nuôi và trồng trọt gắn với xây dựng các nhà máy chế biến. Tập đoàn đã đưa khoa học và công nghệ vào từng ruộng mía, luống cọ, lô cao su và đặc biệt là cho chăn nuôi theo công thức của những nước tiên tiến. Hiệu quả đem lại như nhiều người đã biết. Nhưng để làm ăn như Tập đoàn HAGL không phải là điều dễ với thực trạng tình hình nông nghiệp và nông dân của Gia Lai.
Trong cái khó, phải tìm cho được cái khôn, mà theo chúng tôi, thích ứng với thị trường không chỉ là… chạy theo thị trường mà là tìm “kẽ hở” của thị trường để “lách”. Chẳng hạn, ngày nay một bộ phận người tiêu dùng đã hướng đến nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp; thế giới đã kêu gọi ngăn chặn hiệu ứng nhà kính, đầu tư cho sản xuất phải hướng đến môi trường sạch, gần gũi với thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen của động-thực vật… Để làm được điều này không khó, bởi nếu biết biến cái không lợi thế của chúng ta thành cái lợi thế mà không nhiều nơi có được. Trong điều kiện hạn hẹp của bài báo nhỏ không thể phân tích sâu, hơn nữa cũng chỉ là một gợi ý của người viết báo, chúng tôi đơn cử, đã có “thương hiệu” bò một nắng Krông Pa, gà đồi, gà đi bộ, heo sọc dưa, nhiều con vật hoang dã đã được thuần hóa; nhiều loại cây, củ, quả đã được thích nghi với môi trường, đất đai, khí hậu, thời tiết… mà thị trường nội địa đang rất cần, trong khi nó lại ít được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp chú ý đầu tư, giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể và nhân rộng các mô hình đã có trong cộng đồng.
Cũng cần nói, để có những vùng chuyên canh cây công nghiệp như hôm nay, chúng ta đã đổi lấy quá đắt từ những cánh rừng bạt ngàn và sản phẩm của nó cho đến giờ sau hàng mấy chục năm vẫn bán thô ra thị trường bằng kiểu làm ăn chụp giật, bị chèn ép của kẻ mạnh. Rừng mất, khí hậu thời tiết biến đổi bất thường là điều chúng ta đang gánh chịu. Nhiều nguồn gen động-thực vật quý dần biến mất, lẽ ra chúng phải được nghiên cứu, bảo tồn, thì tận diệt bằng cách tranh nhau khai thác kiếm lợi chỉ làm giàu cho một bộ phận.
Chưa muộn, nếu chúng ta nhìn nhận lại vấn đề mà những nhà kinh tế, nhà khoa học, những người có chức năng lãnh đạo, quản lý để tâm trong việc này, cùng với việc luôn hướng đến mục tiêu “dân giàu” theo tinh thần chủ đề Đại hội XV vừa rồi xác định “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để Gia Lai phát triển nhanh, bền vững”. Chúng tôi xin nhấn mạnh vế sau: Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Có được vậy thì chắc chắn sự phát triển sẽ bền vững, đồng thời phát triển cái mới nhưng chớ nới cái cũ!
Đoàn Minh Phụng