Người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài đường nhằm đảm bảo giãn cách. Thế nhưng ở nhiều chốt kiểm tra, hiện tượng ùn ứ, chen chúc đã xảy ra. Điều này lại vi phạm quy định về giãn cách trong phòng chống dịch.
Ùn ứ tại các chốt kiểm tra vi phạm quy định giãn cách. Ảnh: PĐ |
Giãn cách theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 chính là giải pháp tốt nhất cho Hà Nội tại thời điểm hiện nay. Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói về ý này khi được hỏi về việc kéo dài thời gian giãn cách của Hà Nội đến ngày 23.8.
Dù Hà Nội còn nhiều "vùng xanh" và số ca mắc mỗi ngày chỉ 100 ca, ít hơn nhiều địa phương khác thì giãn cách không chỉ là "giải pháp tốt nhất" mà còn là "duy nhất" cho Hà Nội thời điểm này.
Mục đích của giãn cách là hạn chế người ra đường, hạn chế tiếp xúc để chặn đứt nguồn lây. Thế nhưng, những bức ảnh của phóng viên Báo Lao Động cho thấy: Ở rất nhiều chốt kiểm tra không có khái niệm giãn cách. Hàng chục, thậm chí hàng trăm người ùn ứ chờ kiểm tra giấy tờ.
Ai đảm bảo trong số họ không có ai mang mầm bệnh COVID-19?
Ai dám đảm bảo chính những dân phòng, công an viên không bị lây nhiễm khi họ - trong một ngày tay trần kiểm tra hàng trăm, hàng nghìn giấy đi đường? Và như vậy thì khả năng lây nhiễm chéo ở những chốt kiểm soát này là rất cao.
Kiểm tra, ngăn chặn để người dân hạn chế ra đường là hợp lý. Nhưng việc lập hàng nghìn chốt chặn, chăng dây giữa đường chỉ là xử lý phần ngọn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong lúc này, kỷ luật phải được đặt lên cao nhất. Kỷ luật lúc này là nhân văn.
Trong lúc chờ Hà Nội đưa ra một giải pháp khác, chẳng hạn như áp dụng công nghệ trong việc kiểm tra giấy tờ, thay vì thủ công như hiện tại thì đã đến lúc Hà Nội cần nâng chế tài, đưa ra những quy định thật nghiêm khắc, phạt nặng hơn để xử lý người dân cố tình đi ra đường mà không có lý do thật đặc biệt.
Các cơ quan, tổ chức... cũng cần quản lý thật chặt nhân sự được đến công sở làm việc. Chỉ có những người thực sự cần thiết mới đến còn lại ứng dụng triệt để công nghệ làm việc từ xa để hạn chế người ra đường.
Chỉ có nghiêm khắc bằng pháp luật, chỉ có ngăn chặn người dân không ra đường từ chính ý thức của mình và giám sát chẽ của từng ngõ, phố thì Hà Nội mới có hy vọng kết thúc giãn cách sau ngày 23.8.
"Ai ở đâu thì ở yên đó" cần phải là một mệnh lệnh chứ không còn là đề nghị hay khuyến cáo. Nếu không kỷ luật nghiêm thì giãn cách đến bao giờ?
Theo Linh Anh (LĐO)