(GLO)- Như tin đã đưa, ngày 13-12 kỳ họp thứ tư-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại tổ. Các vấn đề liên quan đến thu hút lao động tại chỗ trong dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, ô nhiễm môi trường và tình trạng gia tăng tội phạm xã hội liên tục làm “nóng” nghị trường. Trong đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến bài toán trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương trước những vấn đề trên.
“Nóng” từ chuyển đổi rừng nghèo đến phá rừng
Dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su được đề cập nhiều nhất với đa số ý kiến của các đại biểu. Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ, từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp đã trồng mới được 28.294,83 ha cao su. Những doanh nghiệp sử dụng lao động lớn như: Công ty MTV cao su Chư Sê, Cao su Chư Prông, Cao su Chư Pah, Cao su Mang Yang, Tổng Công ty 15… tuyển dụng 24.441 lao động, trong đó lao động đồng bào dân tộc thiểu số là 9.891 người.
Ảnh: Đức Thụy |
Đại biểu Lê Đức Tánh-Giám đốc Công ty MTV Cao su Chư Pah, chia sẻ: Ở vùng dự án, Công ty tuyển dụng được khoảng 60% lao động là người dân tộc thiểu số. Sử dụng lực lượng lao động này doanh nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn hơn: nông trường cách xa khu dân cư nên ảnh hưởng chất lượng công việc; trình độ hiểu biết và tay nghề lao động hạn chế, thời gian làm việc không ổn định vì ảnh hưởng bởi phong tục tập quán…
Đại biểu Thái Thanh Bình (Đoàn đại biểu huyện Kbang), cho rằng: “3-5 năm nữa khi cao su các vùng chuyển đổi được khai thác thì bài toán thu hút lao động tại chỗ sẽ càng nan giải hơn. Theo tính toán của các đơn vị, tổng số lao động cần tuyển dụng xấp xỉ 5.000 người. Tôi cho rằng sẽ rất khó”. Đại biểu nhấn mạnh: “Nếu không làm sớm, làm tốt sẽ rất phức tạp cho sau này. Chúng ta hãy nhìn từ bài học vừa qua của Ia Ka (Chư Pah) mà lo”.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải có những biện pháp và chế tài mạnh để buộc các doanh nghiệp (đa phần là doanh nghiệp tư nhân) thực hiện nghĩa vụ theo đúng cam kết. Ông Dương Tráng-Giám đốc Sở Nội vụ, nhận định: “Một trong những mục đích chủ yếu trong chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ là tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, cả 7 doanh nghiệp tư nhân (xã Ia Blứ- Chư Pưh) tham gia thì không doanh nghiệp nào thực hiện tốt vấn đề này!”.
Đại biểu Ksor Keng nêu quan điểm: “Cây cao su được coi là cây kinh tế cao. Vậy đã cao chưa từ khi đưa vào thực hiện chuyển đổi đến nay, đời sống người dân vùng chuyển đổi vẫn chưa thay đổi được gì?”. Về quan điểm, các doanh nghiệp cho rằng, tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ rất khó do trình độ lao động thấp, ý thức kỷ luật lao động kém… đại biểu cho rằng: “Tôi không đồng tình quan điểm đó. Tại sao doanh nghiệp không nghĩ tới việc đào tạo họ mà chỉ nghĩ đến khai thác, nghĩ đến lợi ích của mình thôi?”
Nhiều đại biểu cho rằng, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, chúng ta cần chia sẻ với doanh nghiệp, song không vì thế mà các doanh nghiệp “lơ” chuyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi. “Đồng ý chúng ta cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng không thể cứ dựa vào đó mà trốn tránh mãi được. Tôi cho rằng, quan trọng là ở vấn đề trách nhiệm!”-Đại biểu Đỗ Ngọc Thành-Đoàn đại biểu huyện Phú Thiện, nêu ý kiến.
Về vấn đề này, nhiều đại biểu đề xuất, nên gắn kết các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với doanh nghiệp để ổn định cuộc sống của đồng bào ở địa bàn sở tại.
Về tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Hoàng Công Lự-Đoàn đại biểu huyện Phú Thiện, nêu ý kiến: “Công tác quản lý việc khai thác rừng của chúng ta còn quá nhiều lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Trách nhiệm của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng chưa cao nên nhiều đơn vị tham gia khai thác tìm cách luồn lách, khai thác vượt quá so với quy định. Trong năm 2012, một hạt trưởng và một hạt phó hạt kiểm lâm bị cách chức, kỷ luật là một thực tế để chứng minh cho vấn đề này”.
Đại biểu Đinh Gieng (Đoàn đại biểu huyện Kbang), chia sẻ: “Kbang có thể nói là huyện có rừng nhiều và giàu nhất tỉnh. Vậy nhưng, hiện nay, có lẽ chỉ còn mỗi xã Krong được coi là còn rừng, còn lại gần như bị chặt phá gần hết. Với đà phá rừng như hiện nay, e sẽ chẳng mấy mà Kbang hết rừng”.
Đại biểu Bùi Viết Hội-Đoàn đại biểu huyện Chư Prông, cho rằng: “Phải quy định rõ mức độ trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để xử lý triệt để khi có sai phạm”. Cũng theo ông Hội, riêng với Chư Prông, tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng vốn đã “nóng”, sau khi có dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su lại càng “nóng” hơn. Bởi, một số diện tích rừng không thuộc phạm vi quy hoạch chuyển đổi rừng nghèo hiện đang nằm xen lẫn giữa các khu được chuyển đổi. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ rừng bị khai thác trái phép là rất lớn và lực lượng chức năng cũng rất khó để giữ.
Báo động tình trạng gia tăng tội phạm xã hội
Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng gia tăng các loại tội phạm xã hội, đặc biệt là tội phạm ma túy. Đây cũng là vấn đề được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh trong nội dung buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai cách đây chưa lâu.
Ảnh: Đức Thụy |
Đại biểu Dương Văn Trang (Đoàn đại biểu huyện Chư Pưh), nêu: Thời gian qua, tội phạm ma túy diễn biến cực kỳ phức tạp, tăng cả về số vụ, số người nghiện. Ma túy chính là mầm mống của các loại tệ nạn xã hội khác: Trộm cắp, cướp của, giết người…
Về vấn đề này, nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ sự quan tâm. Đại biểu Dương Tráng cho rằng, đó là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức mà trách nhiệm giáo dục trước hết thuộc về gia đình. Đại biểu Thái Thanh Bình (Đoàn đại biểu huyện Kbang), nhấn mạnh: “Tình trạng tội phạm xã hội ngày càng gia tăng, cả về số vụ lẫn tính chất, mức độ vi phạm. Người dân khi ra đường luôn cảm thấy lo lắng, cảnh giác, phụ nữ có túi xách không dám đeo… Chúng ta cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn hiệu quả hơn”. Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-quả quyết: “Cần có những giải pháp mạnh tay để xử lý tình trạng này, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xã hội, tạo tâm lý lo lắng trong nhân dân và hủy hoại trực tiếp đến các đối tượng vị thành niên-thế hệ tương lai của đất nước”.
Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu. Đại biểu Ksor Keng nêu ý kiến: Ô nhiễm môi trường ở tỉnh ta liên quan tới 3 chủ thể chính: Thủy điện, khai thác khoáng sản và các nhà máy chế biến nông sản. Trong đó, tôi đặc chú ý tới thủy điện và các nhà máy chế biến nông sản. Chưa đề cập đến lợi ích mang lại nhưng hiện tại có thể thấy, nhiều người dân-trong đó có không ít người dân ở vùng căn cứ cách mạng trước đây-đang phải đối mặt với các khó khăn liên quan đến sức khỏe, sản xuất và sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
“Thực tế, các đồng chí cứ nói thủy điện giúp điều hòa lượng nước vùng khô hạn, rồi lợi ích kinh tế nọ kia… nhưng cứ thử nhìn vào thực tế cuộc sống đồng bào chúng ta xem, lợi ích ra sao? Và bây giờ, khi để xảy ra hàng loạt vấn đề rắc rối, phức tạp, chúng ta sẽ xử lý ra sao và xử lý ai? Liệu có hồi phục được lại được không...?
Đại biểu Đỗ Ngọc Thành-Đoàn đại biểu huyện Phú Thiện, tham gia: “Người dân các khu vực thuộc hạ lưu công trình thủy điện An Khê-Ka Nak hiện đang phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề do môi trường sinh thái biến đổi nghiêm trọng. Người dân địa phương cho rằng, trước đây dòng sông Ba vốn trong xanh, hiền hòa giờ quanh năm đỏ ngầu, hung dữ. Đến mùa lũ, tình trạng sạt lở đất khiến nhiều hộ mất nhà cửa, đất đai, ruộng vườn… Rất khó khăn!”
Ngày 14-12, kỳ họp tiếp tục diễn ra với phần tổng hợp ý kiến thảo luận và phiên chất vấn tại hội trường. GLO sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Lê Hòa-Hồng Thi