(GLO)- Vốn ODA là khoản viện trợ chính thức được giám sát với mục đích thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội dành cho các nước đang phát triển. Năm 2012, tỉnh Gia Lai có 13 dự án ODA với tổng vốn trong kế hoạch năm 2012 là 154 tỷ đồng (gồm vốn ODA: 90 tỷ đồng và vốn đối ứng 64 tỷ đồng). Đến nay, có dự án đã đưa vào hoạt động, nhưng cũng có dự án triển khai thực hiện từ năm 2009 nhưng mới chỉ giải ngân gần 25%.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu tháng 9-2012, các dự án có khối lượng thực hiện và giải ngân là 121,1 tỷ đồng (vốn ODA: 80,193 tỷ đồng), đạt gần 80% so với kế hoạch năm. Trong đó, khối lượng hoàn thành nhiều nhất thuộc các dự án Chương trình JICA của Nhật Bản. Cụ thể, dự án lưới điện xã Ia Me (Chư Prông) đã hoàn thành từ năm 2010 nhưng được bố trí vốn trong kế hoạch 2012 để thanh toán khối lượng hoàn thành.
Dự án mở rộng lưới điện các xã biên giới huyện Đức Cơ với tổng chiều dài đường dây điện là 84.684 mét, 24 trạm biến áp, cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân 10 xã biên giới huyện Đức Cơ, công trình đã hoàn thành từ quý I, hiện đã bàn giao cho Công ty Điện lực Gia Lai vận hành, khai thác.
Dự án đường liên xã phía đông cầu Bến Mộng: Ayun Pa cơ bản đã hoàn thành, đang đưa vào khai thác sử dụng toàn tuyến với tổng chiều dài gần 17 km. Dự án trang thiết bị dạy nghề TX Ayun Pa của Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ hoàn thành cuối năm 2012 nhằm phục vụ tốt công tác dạy và học tại Trường trung cấp Nghề Ayun Pa với lô hàng máy móc thiết bị dạy nghề nhập khẩu với tổng giá trị hơn 60 tỷ đồng.
Tuy vậy, vẫn còn 2 dự án do IFAD tài trợ (dự án thí điểm giảm nghèo huyện Ia Pa và dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn) đang bị chậm cả về tiến độ thực hiện lẫn khối lượng giải ngân. Về dự án thí điểm giảm nghèo huyện Ia Pa, tính đến đầu tháng 9, khối lượng thực hiện và giải ngân chỉ đạt gần 3,5 tỷ đồng (đạt 24% kế hoạch năm 2012).
Nguyên nhân là bởi nhà tài trợ chuyển vốn quá chậm so với cam kết. Triển khai từ năm 2009, nhưng đến nay, nhà tài trợ chỉ mới chuyển trên 50% vốn đã cam kết, trong khi theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2012. Với khối lượng thực hiện và giải ngân đến nay mới đạt trên 9 tỷ đồng (trong đó vốn ODA: 3,7 tỷ đồng), dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một trong những dự án đang ì ạch về đích khi chỉ đạt 23% so với kế hoạch năm.
Nguyên nhân là dự án đang hoàn thành những công đoạn đầu tiên (xây dựng các sổ tay hướng dẫn thực hiện) khiến nhà tài trợ chưa cung cấp vốn. Một số dự án theo kế hoạch sẽ triển khai thực hiện năm 2012, nhưng đến trung tuần tháng 5-2012 mới được tỉnh phê duyệt dự án (như dự án giáo dục mầm non do chính phủ New Zealand tài trợ) nên đến nay khối lượng thực hiện chưa đáng kể.
Theo đánh giá tại các cuộc giao ban xây dựng cơ bản và những cuộc họp có liên quan, thời gian qua, việc sử dụng vốn ODA về cơ bản có hiệu quả, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Và điều rõ ràng là vốn ODA đã là một bộ phận quan trọng trong cung cấp tài chính cho sự phát triển, kinh tế tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh cũng nhờ một phần của ODA. Song thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ODA thường bị chậm ở nhiều khâu như: thủ tục, triển khai, giải ngân…
Theo đó, thời gian hoàn thành dự án kéo dài khiến vốn đầu tư thực tế thường tăng hơn so với dự kiến và cam kết. Thứ nữa là sự chồng chéo trong thủ tục chuẩn bị và triển khai đầu tư, nhiều dự án cùng một lúc phải thực hiện 2 hệ thống thủ tục: một thủ tục để giải quyết vấn đề nội bộ trong nước, một thủ tục với nhà tài trợ. Các dự án này thường được đánh giá chỉ bằng tiến độ hoàn thành công trình mà chưa xem xét đến hiệu quả sau đầu tư một khi công trình được đưa vào vận hành khai thác.
Khắc phục những hạn chế trên, kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai sẽ có thêm cơ hội để vươn mình, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi khi hiện tại, tỉnh đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành và các nhà tài trợ để vận động nguồn vốn ODA từ các quốc gia, tổ chức như Unicef, WB, ADB, JICA, Hàn Quốc… nhằm triển khai có hiệu quả các dự án Bạn hữu trẻ em (do Unicef tài trợ); Dự án giảm nghèo Tây nguyên (do WB tài trợ); Dự án đường liên xã Hòa Phú-Ia Nhin, huyện Chư Pah (do JICA tài trợ); Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất các tỉnh Tây nguyên (do ADB tài trợ); Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun thị xã Ayun Pa (do Hàn Quốc tài trợ).
Hà Duy