(GLO)- Sự chậm trễ thể hiện rõ khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn tỉnh đến đầu tháng 5 chỉ đạt tỷ lệ 18,16% kế hoạch (gần 325,5 tỷ đồng/1.791,9 tỷ đồng), giảm gần 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Và khối lượng thực hiện chỉ đạt gần 310,9 tỷ đồng/1.791,9 tỷ đồng, tức chỉ đạt gần 17,4% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân, nhưng sự thông báo và phân bổ vốn của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời; thời gian từ khi triển khai lập, phê duyệt đến tổ chức thi công dự án quá dài khiến tiến độ triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư đang ở mức “rùa bò”.
Theo đánh giá của ông Trần Thế Vinh-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Công tác triển khai thủ tục hồ sơ các dự án đầu tư thuộc kế hoạch năm 2012 có nhiều chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã cho triển khai công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 5-2011; các dự án khởi công mới đều được phê duyệt trước ngày 25-10. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1-2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới quyết định chính thức giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2012”. Việc phân bổ vốn của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch vốn và tổng mức đầu tư được duyệt. Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ cũng như Văn bản hướng dẫn 7356/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gây nhiều lúng túng cho khâu thẩm định nguồn vốn và phần vốn ngân sách trung ương với các dự án khởi công mới.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trước mùa mưa. Ảnh: Hà Duy |
Mặc dù thủ tục đầu tư đã được hoàn thiện theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương và chủ đầu tư, song thực tế, thời gian từ khi triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án đến tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, sau nữa là tổ chức thi công, thanh-quyết toán… mất khá nhiều thời gian (nhất là các công trình, dự án phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư). Thêm nữa, chính sách về tiền lương, giá vật liệu xây dựng không ổn định làm thay đổi giá trị dự toán công trình dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Tất cả sự chậm trễ đó khiến phần lớn các công trình tới nay vẫn đang ở giai đoạn lập hồ sơ yêu cầu để chỉ định thầu và hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Điều đáng nói là không chỉ những dự án, công trình khởi công mới bị chậm tiến độ mà những công trình, dự án chuyển tiếp tại các địa phương, cũng bị chậm. Ông Trần Xuân Quang-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku, tại Hội nghị giao ban công tác đầu tư xây dựng cơ bản mới đây nêu ý kiến: “Việc thực hiện các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố tuy có chậm hơn mọi năm nhưng tiến độ vẫn sẽ đảm bảo. Tuy nhiên có một khó khăn lớn về phía đơn vị thi công là để quản lý vốn có hiệu quả, bắt đầu từ năm 2012, các nhà thầu chỉ được ứng trước 30% vốn, sau đó phải tự bỏ kinh phí, xây dựng đến đâu sẽ quyết toán đến đó”.
Điều đó sẽ thanh lọc nhà thầu, đơn vị nào không đủ năng lực sẽ không thể đảm nhiệm được công trình, nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhiều dự án không tránh khỏi bị chậm tiến độ. Đó là chưa kể tới khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do giá đền bù không theo kịp giá đất thực tế trên thị trường, kinh phí đền bù lớn trong khi ngân sách địa phương khá eo hẹp; hay năng lực hạn chế của đơn vị thi công, thiếu đội ngũ công nhân lành nghề cũng như thiết bị, máy móc hiện đại… cũng khiến không ít dự án, công trình mãi “giậm chân tại chỗ”.
Bài toán đặt ra là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản khi không lâu nữa, Gia Lai đã bước vào mùa mưa? Năm nay được dự báo mùa mưa sẽ đến sớm. Hiện đã có nhiều cơn mưa lớn xảy ra. Địa hình, địa chất đặc thù của một tỉnh miền núi dễ làm sạt lở những công trình giao thông, thủy lợi. Theo đó, sẽ phát sinh kinh phí khắc phục hậu quả, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình. Về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Mỹ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư: “Hiện kế hoạch phân bổ vốn đã được đưa về đến địa phương, do đó, các chủ đầu tư nên xem xét, nhanh chóng chọn nhà thầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc chủ đầu tư, giúp UBND tỉnh chuyển cấp vốn theo đúng giai đoạn. Các ban quản lý tăng cường tinh thần trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng công trình. Với những công trình chuyển tiếp phải hoàn thành sớm, địa phương đôn đốc chủ đầu tư, đồng thời kịp thời giải ngân vốn, ứng vốn theo đúng tiến độ. Đặc biệt, với các công trình khởi công năm 2012, các huyện không được phân cấp cho cấp phòng làm chủ đầu tư, và cả huyện chỉ có một ban quản lý duy nhất”.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, tin rằng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012 sẽ đảm bảo đúng tiến độ. Vấn đề là các ngành, các cấp phải quản lý nguồn vốn chặt chẽ, đưa các công trình sau khi hoàn thành vào sử dụng hiệu quả.
Hà Duy