(GLO)- Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, hướng tới mục tiêu hoàn thành công tác này trong năm 2015.
Nhiều khó khăn
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh cấp được 584.916 giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu, đạt 88,91% diện tích đất cần cấp. Trong đó, có 582.514 giấy cấp cho hộ gia đình, cá nhân với diện tích 432.462,78 ha và 2.402 giấy cấp cho các tổ chức với diện tích 607.156,46 ha. Đây là nỗ lực không nhỏ trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận còn tồn đọng tại Văn phòng Đăng ký QSDĐ còn nhiều, lên đến 25.000 giấy và có khoảng 70.000 ha đất chưa được đo đạc.
Bộ phận “một cửa” tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Pleiku. Ảnh: H.L |
Theo ông Huỳnh Minh Sở-Trưởng phòng Đăng ký-Thống kê (Sở Tài nguyên và Môi trường), sở dĩ việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn tỉnh còn chậm so với tiến độ đề ra là bởi gặp phải rất nhiều khó khăn tồn tại, như: một số văn bản triển khai còn chậm do chờ văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành; một số quy định không hợp lý, khó thực hiện mà trên thực tế chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế... ; có nơi còn chưa có giải pháp quyết liệt trong việc rà soát, xử lý các trường hợp tổ chức quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ để bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để tổ chức xác định ranh giới ngoài thực địa, cắm mốc ranh giới ổn định, lâu dài với các công ty nông-lâm nghiệp, ban quản lý rừng… vẫn còn rất hạn chế.
Gia Lai có gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp luật về đất đai. “Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng người sử dụng đất mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn không tiến hành các thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó, kinh phí cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và đăng ký cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của một số địa phương còn hạn chế do nguồn thu tiền sử dụng đất thấp, chưa hiệu quả”-ông Sở, cho biết. Ngoài ra, không thể phủ nhận, tại một số địa phương, thủ tục cấp giấy chứng nhận còn phiền hà, phức tạp, vượt quá thời gian quy định, còn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục gây nhiều bức xúc trong dư luận…
Tập trung các giải pháp tháo gỡ
Đối mặt với nhiều khó khăn, để thực hiện tốt công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ, UBND tỉnh Gia Lai liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc các cấp, các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6-2015, Gia Lai sẽ hoàn thành 100% số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu.
Theo đó, các cấp, các ngành chức năng tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp về đo đạc, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tiến hành phổ biến sâu rộng Luật Đất đai năm 2013 đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường thanh-kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động đo đạc, bản đồ và hồ sơ địa chính, sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả và rà soát các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận, đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phê duyệt phương án đo đạc. Từ cuối tháng 5-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao văn phòng đăng ký QSDĐ ở các huyện, cải cách hành chính theo kiểu “một cửa” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành chức năng và nhân dân khi đến liên hệ thực hiện các thủ tục đất đai...
Hải Lê