(GLO)- Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) diễn ra trên cả nước từ ngày 15-4 đến 15-5. Sau một số năm tập trung vào thực hiện các chủ đề liên quan đến dịch vụ ăn uống như “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể” (năm 2013), “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” (năm 2014), Tháng Hành động năm 2015 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, tập trung vào chuỗi cung ứng rau, thịt là hai thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam.
Ảnh: Như Nguyện |
Xung quanh vấn đề này bác sĩ Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh cho biết: So với các năm trước, Tháng hành động năm 2015 có một số điểm mới nổi bật: Về tên gọi, năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng-chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới thay cho Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15-4-1999 về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, VSATTP. Theo Chỉ thị số 34 này, kể từ năm 2015 “Tháng Hành động vì chất lượng, VSATTP” được đổi tên thành “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm”.
Về nội dung, năm nay, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh sẽ tổ chức lễ phát động Tháng Hành động tại huyện Đức Cơ-huyện biên giới đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn nhiều khó khăn. Tại các tuyến huyện và tuyến xã đồng loạt tổ chức lễ phát động tại địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 15-4 đến 20-4-2015. Công tác truyền thông về Tháng hành động sẽ triển khai đồng loạt trên các kênh thông tin từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, phường, khu phố… để chuyển tải thông điệp “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”... Song song đó, công tác thanh-kiểm tra liên ngành sẽ được chú trọng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh…
Điểm nhấn trong công tác thanh, kiểm tra năm 2015 là các đoàn thanh-kiểm tra chủ động kiểm tra nguồn gốc thực phẩm ngay từ khâu sản xuất và giết mổ để ngăn chặn nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm ngay từ đầu; đoàn thanh, kiểm tra tuyến tỉnh thực hiện thanh-kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tuyến xã của các huyện, thị xã trọng điểm về sản xuất rau, thịt.
Ảnh: Như Nguyện |
Theo Bác sĩ Mai Xuân Hải, vấn đề kiểm tra và xử lý vi phạm VSATTP cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm để tăng cường sức răn đe, thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật. Đồng thời, đưa tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như phê phán lên án, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm từ đó thông tin đến người tiêu dùng để biết và lựa chọn thực phẩm an toàn.
Cũng theo bác sĩ Mai Xuân Hải, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, có sự phối hợp chặt chẽ của các các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở… Công tác thông tin, truyền thông được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức và nhiều cơ quan, ban ngành cùng tham gia nhờ đó đạt được hiệu quả lan tỏa trong cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau.
Ảnh: Như Nguyện |
Nhìn chung, công tác đảm bảo VSATTP của tuyến tỉnh đã có sự phối-kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh. Tuy nhiên, sự phối-kết hợp này tại tuyến huyện, xã chưa thực sự đồng bộ do cấp ủy, chính quyền tuyến huyện, xã chưa thật sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn dẫn đến Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP hoạt động chưa hiệu quả; 100% cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại 17 huyện, thị xã, thành phố là kiêm nhiệm, còn yếu về chuyên môn và chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; nhiều hoạt động, công tác quan trọng không triển khai được do kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP hạn hẹp.
Do đó, để công tác bảo đảm ATVSTP thực sự đạt được hiệu quả thì các cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã cần có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động này đồng thời làm tốt công tác tham mưu cho UBND trong công tác quản lý và triển khai các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Như Nguyện
Trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tổ chức 105 đoàn thanh, kiểm tra; số lượt cơ sở được thanh-kiểm tra là 1.751; trong đó, 449 lượt cơ sở vi phạm, phạt tiền 103 cơ sở với số tiền phạt 167.850.000 đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượt cơ sở được thanh-kiểm tra tăng 14%; số tiền phạt tăng 102.300.000 đồng. 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá nóc. |