Sinh thời, Bác Hồ đã xem: Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người chỉ đạo đường lối chiến lược, sách lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước, lại vừa trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao, nhằm từng bước kiến tạo và mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường “thế và lực” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa ngành ngoại giao nước ta lên một tầm cao mới.
Những hoạt động ngoại giao của Bác đã góp phần tích cực vào việc tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định: Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh là tư tưởng tiến công.
Các đại biểu dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á. |
Với phương châm đề ra, được biết, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước thuộc tất cả các châu lục và các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, từ những năm 90 thế kỷ trước, chúng ta đã gia nhập trở thành thành viên của các tổ chức quan trọng trên thế giới. IMF+ World bank (tổ chức tiền tệ và ngân hàng thế giới); United Nation (Liên hiệp quốc); ASEAN; AFTA; Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM); Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); WTO (Tổ chức Thương mại thế giới); WHO (Tổ chức Y tế thế giới). Đặc biệt, Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc (ủy viên ECOSOC, ủy viên Hội đồng chấp hành UNDP, UNFPA và UPU...), phát huy vai trò thành viên tích cực của phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN ...
Trong điều kiện quốc tế ngày nay khi quá trình hội nhập ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới thì cuối tháng 5-2010, Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của CICA. Được biết, CICA được thành lập năm 1992, là diễn đàn mở ở châu Á để trao đổi việc giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Hiện CICA có 22 nước thành viên, chiếm gần 90% diện tích châu Á. Việt Nam tham gia Diễn đàn CICA năm 1993 với tư cách khách mời, sau đó là quan sát viên. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CICA có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và CICA, thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực.
Mới đây, (ngày 6 và 7-6) diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 (WEF Đông Á 2010) tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp. Diễn đàn quy tụ gần 500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ cấp cao trong khu vực, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả hàng đầu thế giới, cùng báo giới Việt Nam và quốc tế. Với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”, WEF Đông Á 2010 tập trung trao đổi và đi sâu thảo luận về vai trò đang lên của châu Á, tiến trình hội nhập khu vực, châu Á đối phó với các rủi ro, thách thức toàn cầu, vấn đề tài chính trong khu vực, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
Ông Herb Cochran- Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ nhận xét: Việt Nam được xem là nước tối ưu cho đầu tư ở ASEAN và là thị trường đang nổi với nhiều cơ hội lớn cho tăng trưởng. Vì thế, các công ty khác, đặc biệt trong ngành sản xuất điện tử, ô tô.... đang xem Việt Nam là nơi tiềm năng để xây dựng nhà máy khi kinh tế thế giới hồi phục. Hiện nay, Mỹ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số vốn đăng ký 9,8 tỷ USD, trong số 43 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2009, sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 3.
Khi còn sống Bác Hồ đã căn dặn: “Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn, phấn đấu mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa- là bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Sở dĩ, Việt Nam đạt được những thành tựu như ngày nay là nhờ “Sức mạnh đoàn kết của toàn dân, kết hợp được với sức mạnh thời đại”. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm “Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Thiên Ân