(GLO)- Những năm qua, mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Gia Lai đã được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, sự đầu tư đó chỉ như “muối bỏ biển” so với thực tế hiện nay…
Với tổng chiều dài đường bộ 10.234 km, gồm 4 tuyến quốc lộ dài 760 km (tính cả đường Trường Sơn Đông), 11 tuyến tỉnh lộ dài 537 km, đường huyện 1.632 km, đường đô thị 915 km, đường xã, thôn dài 5.610 km và đường chuyên dùng 1.035 km, Gia Lai là một trong những địa phương có tổng chiều dài đường bộ lớn nhất cả nước.
Quốc lộ 19 được đầu tư làm mới. Ảnh: Lê Anh |
Mạng lưới giao thông của tỉnh được kết cấu đa dạng và có vai trò là cầu nối quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội giữa khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung bộ và nước bạn Campuchia. Chính vì có vai trò là “trung tâm”, nên từ năm 2008 đến 2012, hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư gần 1.500 tỷ đồng để nâng cấp và mở mới. Trong đó ngân sách tỉnh hơn 472 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 400 tỷ đồng, dân đóng góp 68 tỷ đồng, nguồn khác hơn 181 tỷ đồng, ngân sách trung ương 337 tỷ đồng…
Bằng nguồn vốn nói trên, tỉnh Gia Lai đã mở mới được 203,977 km đường bộ, nâng cấp 1.349,783 km, 30 cây cầu được làm mới và xây dựng 1.952 cống các loại. Dự kiến giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, toàn tỉnh sẽ mở mới thêm khoảng 430 km đường bộ, nâng cấp, cải tạo và nhựa hóa, cứng hóa đạt khoảng 40% (gần 1.800 km).
Dù rất được quan tâm trong đầu tư xây dựng, nhưng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có từ rất lâu, qua thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó kết cấu mặt đường chủ yếu là đường đất chiếm 53,82%, đường bê tông nhựa, láng nhựa gần 28%, còn lại là đường bê tông và đá dăm, cấp phối... nên với số vốn đầu tư trên chỉ như “muối bỏ biển”.
Ông Trịnh Văn Thọ-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông-Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh chưa đạt yêu cầu. Do nguồn vốn còn hạn chế nên công tác bảo trì và làm mới đường bộ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mật độ giao thông tăng mạnh khiến hạ tầng giao thông nhanh xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này, không chỉ trong một sớm, một chiều vì cần phải có nguồn vốn lớn…”.
Đường vào một số xã vùng sâu, vùng xa, điển hình như xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) vẫn còn rất khó vào mùa mưa. Ảnh: Nguyên Võ |
Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, hạ tầng giao thông của Gia Lai đã không còn phù hợp với mật độ phương tiện tham gia giao thông. Hiện nay lưu lượng xe con quy đổi lưu thông trên tuyến quốc lộ 14 là hơn 10.000 xe/ngày đêm, trên quốc lộ 19 lưu lượng xe lưu thông gần 8.000 xe/ngày đêm… Chính vì phương tiện giao thông gia tăng mạnh nên đã nảy sinh những bất cập.
Theo thiết kế, tuyến quốc lộ 14 chạy qua địa bàn tỉnh Gia Lai đạt cấp IV, quốc lộ 19 đạt cấp III, quốc lộ 25 chỉ đạt cấp IV, V. Đối chiếu với Nghị định 209/2004/NĐ-CP, ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì với mật độ phương tiện tham gia giao thông như trên thì quốc lộ 14 phải đạt cấp I, quốc lộ 19 phải đạt cấp II và quốc lộ 25 phải đạt cấp III…
Chính vì khó khăn và bất cập trên, nên những năm qua đã trở thành rào cản để tỉnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đảm bảo đúng chất lượng. Nhưng với điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn như hiện nay, thì con số gần 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong 5 năm qua là nỗ lực lớn của các cấp lãnh đạo tỉnh. Dù vẫn biết rằng, sự đầu tư trên chỉ mang tính tình thế.
Lê Anh