Dấu ấn người lính quân hàm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới của tỉnh, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo  để tăng cường bám dân, bám địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Thắm đượm nghĩa tình quân-dân

Với mong muốn giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm qua, các đồn biên phòng tiếp tục duy trì các mô hình giúp dân như: “Trình diễn lúa nước” ở Đồn Biên phòng Ia Puch, Ia Mơr; “Trồng tiêu” và “Bếp ăn tình thương” ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; “Tự quản an ninh trật tự” ở Đồn Biên phòng Ia Pnôn... Vườn tiêu của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hiện đã cho thu hoạch năm thứ hai với năng suất ổn định. Sau khi được tận mắt chứng kiến thành quả mà những người lính biên phòng đã làm được, nhiều bà con trong làng đã bắt đầu học hỏi, làm theo bằng cách thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả trong vườn nhà bằng những cây có giá trị kinh tế cao.

 

Hướng dẫn người dân làm lúa nước. Ảnh: A.H
Hướng dẫn người dân làm lúa nước. Ảnh: A.H

Riêng mô hình lúa nước ở Đồn Biên phòng Ia Mơr cũng được người dân nhiệt tình đón nhận. Già làng Ksor H’Blâm (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) cho rằng, mô hình lúa nước của đồn đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong xã và chẳng bao lâu nữa nơi đây cũng được nhắc đến với những cánh đồng lúa trù phú. Ban đầu, mô hình này được triển khai ở diện tích 6.000 m2 đất bị bỏ hoang. Nhưng chỉ sau 3 tháng, với bàn tay, khối óc của người lính, đồng ruộng bỏ hoang đã được trải rộng bằng một màu vàng ruộm. Trực tiếp nghe cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, rồi trực tiếp nhìn thấy thành quả lao động (năng suất lúa khoảng 6 tạ/sào), nhiều hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình. Chỉ trong năm 2015, mô hình này đã nhân rộng ra 6,5 ha.

Những mô hình kinh tế này không đơn thuần là giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn là những mô hình thế trận lòng dân, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc”, “Tự quản an ninh trật tự thôn làng”. Đồng thời, đây cũng là mô hình khẳng định sự chung sức của cán bộ biên phòng trong việc giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nơi khó… có cán bộ biên phòng

Cùng với các mô hình giúp dân, những năm qua, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp với huyện ủy 3 huyện biên giới bố trí 7 cán bộ biên phòng tăng cường cho 7 xã biên giới, trong đó 6 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Theo đó, nhiệm vụ của cán bộ tăng cường là tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất nhiều ý kiến xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới...

Thiếu tá Vũ Văn Hoằng-cán bộ tăng cường xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), chia sẻ: Sau hơn 1 năm tăng cường cơ sở, bản thân đã tích cực tham mưu cho các ban ngành tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, hộ gia đình đào hố rác trong vườn nhà, di dời chuồng trại; vận động các đơn vị quân đội và cán bộ xã dọn vệ sinh các khu trung tâm... Nhờ đó, ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống xung quanh được nâng cao. Cũng trong vai trò cán bộ tăng cường, anh Hoằng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm với nhân dân để bầu vào chức danh chủ chốt thôn, làng. Anh cũng đã đề nghị Đảng ủy xã cho về sinh hoạt tại chi bộ thôn làng để kịp thời tham mưu cho chi bộ trong xây dựng nghị quyết hàng tháng, triển khai thực hiện nghị quyết, duy trì nền nếp sinh hoạt...

Song song với các hoạt động trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện Đức Cơ chỉ đạo xây dựng điểm tại xã Ia Dom. Không chỉ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giữ gìn môi trường sống, tham gia củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, vận động học sinh đến trường, đóng góp hàng trăm ngày công, Bộ đội Biên phòng còn quyên góp ủng hộ 350 triệu đồng để xóa 14 ngôi nhà tranh tre, dột nát (trong đó xây dựng mới 6 nhà, sửa chữa 8 nhà). Cuối năm 2015, Ia Dom trở thành xã biên giới đầu tiên ở các tỉnh Tây Nguyên về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của những người lính mang quân hàm xanh.

Chưa hết, trong năm 2015, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xây dựng, bàn giao 3 nhà Đoàn kết-Hữu nghị cho người dân nghèo tại xã Bó Nhầy (huyện Oyadav, Rattanakiri, Campuchia) trị giá 180 triệu đồng. Các đồn biên phòng còn phối hợp với một số cơ quan, đơn vị liên quan, vận động các nhà hảo tâm tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân trên khu vực biên giới.

Với những hoạt động thiết thực, Bộ đội Biên phòng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự ở  khu vực biên giới.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.