Như mối lương duyên ràng buộc, có những người lính suốt cuộc đời binh nghiệp của mình chỉ gắn bó với một mảnh đất, một tên làng trên dải đất biên cương đầy nắng và gió khắc nghiệt. Ở nơi đó, ngày mỗi ngày qua đi, những người lính ấy vẫn lặng thầm trải nghiệm biết bao dư vị ngọt-bùi-đắng-cay của cuộc sống, để tạo nên dấu ấn không phai trong cuộc hành trình xây dựng vùng nông thôn mới bình yên và phát triển…
Có lẽ trong số những cán bộ cựu trào của Đoàn Mê Linh những ngày đầu mới được thành lập, sau đó là Trung đoàn 745 và giờ đây là Công ty 74 chẳng ai có thâm niên bám trụ trên vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai) lâu dài như Đại tá Trần Quang Hùng. Anh lính trẻ có mặt trong cuộc hành quân kéo dài 33 ngày đêm từ tỉnh Vĩnh Phúc vào vùng đất Tây Nguyên ngày xưa ấy, giờ đây đã là “vị thuyền trưởng” của một trong những doanh nghiệp phát triển hàng đầu của Binh đoàn 15. Ba mươi lăm năm đi qua trong cuộc đời làm một người lính thật dài. Và, nó càng dài hơn khi gần trọn thời gian ấy, người lính phải đối diện với biết bao khó khăn thử thách, nhất là ở thời kỳ đầu “ngày thì tay cuốc tay dao khai hoang phục hóa, đêm về tay súng truy quét bọn tàn quân FULRO và làm công tác dân vận”.
|
Ảnh: T.K.N |
Gian lao vất vả là thế nhưng theo Đại tá Trần Quang Hùng: “Mình vẫn còn may mắn, bởi đã có không biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này vì những di chứng chiến tranh để lại, cũng như phải căng mình chống chọi với những trận sốt rừng. Địa bàn đơn vị đứng chân trải dài 12 km đường biên giới với 26 thôn làng thuộc hai huyện Đức Cơ và Ia Grai. Đây là vùng đất bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề mà bằng chứng rõ nét nhất là số bom mìn, chất độc hóa học phải xử lý nhiều vô kể từ ngày đơn vị tiếp quản đến nay…”.
Sự khắc nghiệt của một vùng đất vừa đi qua cuộc chiến tranh ác liệt có lẽ vẫn chưa bằng những “rào cản” đến từ phong tục tập quán, trình độ nhận thức của các chủ nhân nơi đây. Dưới những ngôi nhà sàn nằm cheo leo nơi sườn dốc, đồng bào dân tộc Jrai thật hiền, biết chịu thương chịu khó, song cuộc sống của họ lại chưa thoát ra khỏi màn sương dày đặc của những thói quen, tập tục cũ kỹ lạc hậu. Đi cùng với phương thức làm ăn du canh, phát-đốt-chọc-tỉa là sự thiếu trước hụt sau về miếng cơm manh áo. Khổ lắm, nhưng bà con vẫn hy vọng rừng còn thì cuộc sống mình sẽ không mất, thiếu củ mì ta lên rừng kiếm củ mài, củ khoai...
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn ngổn ngang bao vấn đề nan giải thì cuộc hành trình của người lính Binh đoàn nói chung, Công ty 74 nói riêng “gập ghềnh” vất vả, âu cũng là lẽ thường tình. Không thể nói hết những khó khăn thử thách trong cuộc hành trình ấy, nhưng nếu đặt hai “bức tranh” cuộc sống hôm nay với những ngày đầu “đi mở đất” thì chúng ta cảm nhận được ngay dấu ấn của người lính trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo. 35 năm phát triển sản xuất kinh doanh để đứng vào hàng ngũ những doanh nghiệp lớn mạnh trên địa bàn là 35 năm cán bộ chiến sĩ, công nhân viên và người lao động Công ty 74 miệt mài đưa những buôn làng đồng bào dân tộc Jrai từ nương rẫy về với ruộng vườn, để từ đây biến họ trở thành chủ nhân đích thực của những lô cao su ngút ngàn màu xanh, căng tràn nhựa sống.
Tuy nhiên để tiếp nhận, sử dụng ổn định lâu dài một lực lượng công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số lên đến gần 1.500 con người như ngày hôm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động bà con tham gia vào dự án, xây dựng các nhân tố điển hình để bà con học tập (như trường hợp Anh hùng Lao động Rơ Mah Klum ở làng Mới, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) Công ty 74 còn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động, cũng như công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý đối với số cán bộ tại chỗ. Anh Rah Lan Loan- Đội phó đội 7A, đơn vị quản lý vườn cao su trên khu vực 4 làng: Sung Cắt, Sung Kép, Sung Tung và Sung Le là cán bộ người dân tộc thiểu số đầu tiên được Công ty 74 chọn tham gia khóa học Trung cấp Quản lý cơ sở.
Suốt mấy chục năm “cùng ăn cùng ngủ” với cây cao su, hơn ai hết Rah Lan Loan hiểu rằng đây chính là loại cây kinh tế mũi nhọn, giúp bà con thoát nghèo nhanh nhất, nhưng cũng là cây đòi hỏi thời gian tiếp cận các công đoạn kỹ thuật lâu dài nhất. Tâm sự với chúng tôi, Rah Lan Loan cho biết: “Nếu không có bộ đội, chắc chắn bà con trong buôn làng mình không thể làm chủ được vườn cao su, cà phê như ngày hôm nay đâu. Ngay cả mình đây, bộ đội phải tuyên truyền vận động mãi mới chịu “bắt tay hợp tác” mà khi làm cũng dè dặt lắm. Cây cao su, cà phê nào có ra củ, ra quả để ăn hàng năm như cây lúa, cây bắp đâu. Bà con nghĩ vậy nên bộ đội cứ phải vận động thuyết phục mãi, lại còn hỗ trợ lương thực thực phẩm để có cái ăn hàng ngày thì nhiều nhà mới chịu làm theo. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người thấy nhớ rừng, nhớ rẫy bỏ về làng đấy…”.
Hơn 35 năm gắn bó với đất rừng biên giới, dấu ấn của người lính Công ty 74 giờ đây đã hòa vào dòng chảy cuộc sống nơi buôn làng, tạo nên sức mạnh tình đoàn kết quân dân trong xây dựng vùng nông thôn mới bình yên và phát triển.