(GLO)- Ia Nan (huyện Đức Cơ) hôm nay đã có một bước chuyển mình vượt bậc, đang từng ngày đổi thay, phát triển trong bình yên và no ấm. Làm nên sự đổi thay kỳ diệu ấy, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong xã là sự chung tay góp sức của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15).
Đổi đời nhờ làm công nhân
Công ty TNHH một thành viên 72 giúp người dân Ia Nan làm lúa nước. Ảnh: Nguyễn Dung |
Ksor Blý, công nhân Đội 10-một trong những đội sản xuất luôn dẫn đầu về năng suất, sản lượng khai thác mủ của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) cười thật vui khi kể cho tôi nghe chuyện mình bén duyên với việc khai thác mủ trong một bản thành tích dài từ năm 2007-năm Ksor Blý được Công ty nhận vào làm công nhân đến nay. Blý bảo, sau hơn 7 năm làm công nhân, Blý đã là một người khác hẳn, khỏe mạnh hơn, chăm chỉ hơn, nhiều tiền hơn và biết nghĩ nhiều hơn. “Mình có được nhiều thứ kể từ khi vào làm công nhân Đội 10 của Công ty TNHH một thành viên 72.
Trong niềm phấn khởi, Blý kể cùng tôi chuyện gia đình mình, mới hay, để có một cuộc sống gia đình ổn định như ngày hôm nay, người công nhân gần 30 tuổi này (Blý sinh năm 1985) đã phải trải qua nhiều vất vả. Sinh ra ở làng Nú, khi lập gia đình thì dọn về làng Tung sinh sống để có nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, ốm đau, một mình Blý xoay xở cả ngày không hết việc. Đặc biệt là kể từ khi mình được vào làm công nhân của Đội 10. Gia đình mình bây giờ thu nhập hàng năm cũng được khoảng 250 triệu đồng, cũng chưa phải là nhiều nhưng mình còn trẻ, còn sức lao động, mình còn có nhiều thời gian để phấn đấu”-Blý chia sẻ trong tiếng cười vui.
Cũng là công nhân của Đội 10, chị Lê Thị Lan (sinh năm 1977)-người đầu quân vào làm công nhân Công ty 72 từ năm 1996 đến nay, sau bao nhiêu vất vả khó khăn của ngày đầu lập nghiệp, bây giờ, chị Lan đã là một công nhân có tay nghề cao, luôn giữ danh hiệu bàn tay vàng, lương bình quân 7 triệu đồng/tháng. Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà kiên cố, khang trang, mới mời anh em công nhân trong đội đến mừng tân gia hồi cuối năm 2012 với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, chị Lan tươi rói nụ cười: “Ngôi nhà này là thành quả của bao năm vất vả của hai vợ chồng, là tiền dành dụm được trong suốt những năm qua. Hiện, gia đình tôi đang chăm sóc 1.500 gốc cà phê, 300 gốc tiêu; tính cả lương, cả thưởng của Công ty thì hàng năm, hai vợ chồng cũng để ra được chút ít, khoảng 150 triệu đồng. Từ số tiền này, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào sản xuất và để ra một phần cho bà con dân làng vay-chủ yếu là những người còn thiếu vốn làm ăn để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Gắn bó mật thiết với đời sống người dân
Ảnh: Nguyễn Dung |
Trong hầu hết các thôn làng của Ia Nan hôm nay, ngày càng có nhiều hơn những người có việc làm và thu nhập ổn định, ngày càng có nhiều hơn những hộ gia đình có của ăn của để như chị Lan hay Blý. Những người con của vùng biên viễn thật thà chất phác, khi vào làm công nhân thì chịu thương chịu khó như Rơ Lan Thức, Rơ Mah Lê, Rơ Mah Hạ, Siu Tía, Siu Búi… luôn được bà con trong tất cả các thôn làng nhắc tới trong niềm vui và cả sự tự hào.
Trò chuyện cùng tôi, vị già làng làng Tung-Siu Quý cho hay: Làng Tung được như ngày hôm nay, công sức của những người lính Công ty 72 nói chung, những công nhân Đội 10 nói riêng đóng một phần rất quan trọng. Việc đầu tiên và đáng kể nhất là bộ đội đã giúp bà con dân làng khai hoang cánh đồng 16 ha, trồng lúa 2 vụ, vậy nên từ năm 2006 đến nay, bà con làng Tung cũng như người dân trong xã đã thoát được cái đói nghèo. Trong làng có 140 hộ thì có 40 hộ làm công nhân, số hộ nghèo còn rất ít. Đặc biệt kể từ khi Công ty và đội sản xuất thực hiện phương châm gắn kết hộ thì cuộc sống của bà con lại có thêm nhiều sự thay đổi, tiến bộ hơn, tình nghĩa hơn.
Niềm phấn khởi, sự biết ơn của già làng Siu Quý cũng là nỗi niềm chung của số đông bà con từ các làng: Tung, Sơn, Nú đến các thôn: Ia Bong, Ia Nhú, Ia Đao, Ia Le, Ia Tum… trên dọc mảnh đất Ia Nan này. Già làng Rơ Lan Xuất-người đã có hơn 80 tuổi đời và hơn 30 năm giữ trọng trách cao nhất của làng Sơn, sau khi rủ rỉ kể cho tôi nghe chuyện những ngày gian khổ của làng Sơn nói riêng, của Ia Nan nói chung cách đây hơn chục năm về trước, già khẳng khái nói: Làng Sơn được như ngày hôm nay, phần lớn là nhờ vào sự giúp đỡ của bộ đội 72, đặc biệt là những người lính của Đội 7-đội sản xuất đứng chân và kết nghĩa với làng và gần đây nhất là việc gắn kết hộ. Cả làng Sơn có 171 mái nhà thì đã có 53 gia đình tham gia phong trào gắn kết hộ, đến nay cũng được 3 năm và nhà nào cũng có nhiều thay đổi, có nhiều lúa, mì và cà phê hơn; đặc biệt là nhận thức của bà con ngày một tiến bộ hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Mạnh Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Nan cho biết: “Ia Nan hôm nay đã hết nghèo rồi, việc hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng nằm trong tầm tay. Cuộc sống của bà con nơi đây ngày một đủ đầy và phát triển trong niềm vui chung của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thành quả này có được là do sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân dân trong xã, cùng với đó là chung tay sự góp công góp sức của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15). Đứng chân trên địa bàn Ia Nan, những năm qua, Công ty đã luôn chú trọng chăm lo đời sống cho công nhân và làm tốt công tác an sinh xã hội.
Thu Huế