(GLO)- 41 năm sau ngày giải phóng, về lại xã Đất Bằng anh hùng (huyện Krông Pa), chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Từ năm 2015 đến nay, được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, người dân ở xã đặc biệt khó khăn này đã có thêm điều kiện để xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Bê tông hóa hệ thống giao thông nông thôn. Ảnh: Đ.T.Y |
Vào thời điểm này, con đường liên xã Ia Mlah-Đất Bằng do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng đang được hoàn tất. “Chúng tôi rất vui khi xã được dự án hỗ trợ làm con đường bê tông xi măng có chiều dài 2,5 km, mặt đường rộng 3,5 mét. Chúng tôi tin rằng, thời gian tiếp theo sẽ có những đoạn đường mới nữa được đầu tư, nối tiếp đoạn đường bê tông do dự án hỗ trợ để giúp cho việc đi lại của người dân ngày càng thuận lợi hơn”-ông Kpă Phan-Phó Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, kiêm Trưởng ban Phát triển xã cho biết.
Trưởng thôn Kpă Thành-thôn Ơi Khẳm, vui mừng kể: “Đoạn đường này thi công phần lớn là đi qua địa bàn thôn. Vì thế, Ơi Khẳm được thụ hưởng nhiều hơn so với các thôn khác trên địa bàn xã. Chúng tôi không chỉ là người được thụ hưởng mà còn được giám sát trong quá trình thi công, nếu phát hiện công đoạn nào không đảm bảo thì báo cho cán bộ dự án. Khi công trình đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả nguồn vốn dự án hỗ trợ, đặc biệt hơn, công trình còn giúp người dân đi lại thuận lợi, nhất là trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản”.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển cơ sở kết nối cấp huyện, năm 2015 dự án còn hỗ trợ 2 nhóm nuôi bò sinh sản tại buôn Ơi Khẳm và buôn Ma Hing. Tại buôn Ma Hing, bà Nay Tôn-thành viên nhóm bò lai sinh sản vui mừng cho biết: Buôn mình có 10 hộ được nhận tài trợ từ dự án để nuôi bò lai sinh sản. Sau gần một năm, bò nhà mình đã đẻ được một con bê rồi. Đây là cơ hội để gia đình mình thoát nghèo.
Theo cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF) Huỳnh Kiên Trình, cùng với việc hỗ trợ 2 nhóm nuôi bò sinh sản và con đường liên xã Ia Mlah-Đất Bằng, năm 2016, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên còn hỗ trợ thêm 4 nhóm nuôi dê lai và 2 nhóm nuôi heo rừng lai; xây mới tuyến đường liên thôn vào khu sản xuất Ma Nhe A và Ma Nhe B. Đến thời điểm này, các tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế đều được triển khai làm chuồng, trồng cỏ cho các thành viên trong nhóm. Hai tiểu dự án bò lai đang phát triển rất tốt.
Để có được kết quả này, đội ngũ chuyên môn tham gia dự án, đặc biệt là các hướng dẫn viên cộng đồng (CF) đã phối hợp chặt chẽ với Ban Phát triển xã theo dõi sát sao từng việc làm cụ thể, hỗ trợ kịp thời kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh cho đàn gia súc. Trưởng nhóm nuôi dê thôn Ma Nhe A-Kpă Tuyên, cho biết: Bà con nơi đây biết nuôi dê từ lâu nhưng chỉ chăn thả tự do vì thế dê hay bị bệnh, không phát triển được. Từ khi có dự án về hỗ trợ và được cán bộ hướng dẫn, bà con mới biết làm chuồng và trồng cỏ cho dê ăn, trồng rau xanh cho heo ăn. Nuôi dê lai phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở đây nên 15 thành viên trong nhóm rất vui và nhiệt tình tham gia. Chúng tôi hy vọng việc chăn nuôi dê sẽ giúp bà con xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên sau gần 2 năm triển khai trên địa bàn xã Đất Bằng đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nơi đây. Với sự tận tâm của cán bộ dự án, Ban Phát triển xã, sự sâu sát của cán bộ CF là cơ sở để dự án triển khai tại xã đạt hiệu quả, giúp hộ nghèo nơi đây có một hướng sản xuất mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng đất, từ đó tiến tới xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đinh Thị Yến