(GLO)- Ngày 11-6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo về sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số Viện Khoa học-Kỹ thuật; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và một số hộ trồng cây ăn quả, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trái cây trên địa bàn tỉnh.
Diện tích cây ăn quả tăng nhanh
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.400 ha cây ăn quả, tăng gần 4.200 ha so với năm 2014 và tăng hơn 1.350 ha so với năm 2017. Trong đó, diện tích chuối hơn 2.000 ha, sầu riêng hơn 710 ha, bơ gần 800 ha, cam hơn 70 ha, xoài hơn 1.070 ha, thanh long hơn 450 ha, chanh dây khoảng 2.000 ha, mít hơn 240 ha… Đặc biệt, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư phát triển nhiều loại cây ăn quả như: chuối, thanh long, sầu riêng, bơ, chanh dây... trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 870,5 ha. Trong số này có 71 ha chuối già hương Nam Mỹ tại huyện Mang Yang, 232 ha thanh long ruột tím hồng tại các huyện: Mang Yang, Chư Prông, Ia Pa...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N.D |
Việc diện tích cây ăn quả không ngừng được mở rộng cho thấy xu hướng phát triển nông nghiệp mới của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, phòng trừ dịch hại tổng hợp, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Có thể kể ra đây các mô hình như: chuyển đổi diện tích trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng cam ở xã Sơn Lang (huyện Kbang); chuyển đổi diện tích trồng mì sang trồng thanh long ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro)... Những mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gấp 5-10 lần so với trồng lúa và mía. Trong đó, nhiều mô hình cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha như mô hình xen canh cà phê với bơ, sầu riêng. Ông Nguyễn Trung Hiền (làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cho hay: “Gia đình tôi trồng 5 ha sầu riêng từ năm 1998 theo quy trình VietGAP, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả. Những năm trước, gia đình bán sầu riêng quả tươi thu được 800-900 triệu đồng/năm. Riêng năm ngoái, gia đình đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm sầu riêng có truy xuất nguồn gốc, mã vạch… Nhờ đó, giá trị tăng lên. Hiện sầu riêng của gia đình được tiêu thụ cả ở Hà Nội, Đà Nẵng”.
Về phía doanh nghiệp kinh doanh trái cây, chị Nguyễn Thị Hương-chủ cửa hàng bán trái cây sạch tại TP. Pleiku-cho biết: Sản phẩm trái cây của Gia Lai rất tốt và đa dạng. Riêng quả na, trung bình mỗi mùa thu hoạch, chị thu mua được khoảng 15-20 tấn xuất bán cho thị trường trong cả nước. Ngoài ra, chị còn thu mua bơ và sầu riêng cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước.
Những trở lực cần tháo gỡ
Tiềm năng phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh là rất dồi dào. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, việc phát triển cây ăn quả ở Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo nhìn nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT, quy mô sản xuất cây ăn quả ở tỉnh ta còn manh mún, thiếu những vùng chuyên canh quy mô lớn, thiếu sự liên kết trong sản xuất. Đặc biệt, năng suất cây ăn quả của tỉnh còn thấp so với mức bình quân các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đây chính là những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất cây ăn quả ở tỉnh ta. Bên cạnh đó, phần lớn thương lái thu mua trái cây theo thời vụ, khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều. Ngoài ra, công nghệ bảo quản, chế biến trái cây còn thiếu, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, nông dân thiếu thông tin về thị trường…
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 8.400 ha cây ăn quả các loại. Ảnh: Đ.T |
Theo dự kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2025, diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt khoảng 20.000 ha. Trong đó, sầu riêng khoảng 1.500 ha, bơ khoảng 1.500 ha, xoài 1.200 ha, thanh long khoảng 600 ha, mít khoảng 500 ha, cam khoảng 200 ha, chuối khoảng 2.500-3.000 ha… Tỉnh phấn đấu 50% diện tích sản xuất cây ăn quả có cam kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; trên 70% diện tích sản xuất, kinh doanh chuyên canh cây ăn quả hoạt động theo nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả. |
Theo thông tin từ Sở Công thương, từ năm 2018 đến nay, giá trị xuất khẩu trái cây của tỉnh đạt hơn 30 triệu USD, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm nhưng lại là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của địa phương. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên tỉnh xuất khẩu được các mặt hàng mới ngoài những mặt hàng truyền thống như: cà phê, cao su, hồ tiêu… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến trái cây chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ mới có 7 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến và sơ chế trái cây, hàng năm tiêu thụ khoảng hơn 20% sản lượng trái cây trên địa bàn. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả còn phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nên khó đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, bảo quản; xúc tiến thương mại ra nước ngoài hiện nay còn yếu, chưa có giải pháp thiết thực…
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, điều kiện đất đai của tỉnh phù hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới; quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. ThS. Mai Văn Trị-Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam-cho biết: Gia Lai có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây ăn quả. Vì vậy, tỉnh cần quy hoạch vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ từ nước tưới, đường giao thông, cơ sở thu mua, sơ chế, kho lạnh...; lựa chọn các giống cây ăn quả phù hợp; nghiên cứu thị trường tiêu thụ mới. Tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, chế biến trái cây phát triển; tổ chức cho nông dân học tập sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ giúp nâng cao giá trị kinh tế, giảm rủi ro… Có như vậy, tỉnh mới phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững. Còn theo PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thì cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP gắn với truy xuất nguồn gốc; thực hiện quy hoạch và phát triển bền vững; xác định được tập đoàn cây ăn quả chủ lực và cây tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Nhà nước làm vai trò “bà đỡ” để biến lĩnh vực này trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Hội thảo này có ý nghĩa thiết thực đối với Gia Lai. Thời gian qua, chủ yếu người dân tự phát trồng, sự vào cuộc của các cấp, ngành chưa được bao nhiêu; công tác quy hoạch, đào tạo còn hạn chế… Tiềm năng thế mạnh của các huyện phía Đông và Đông Nam còn nhiều nhưng mới chỉ ở mức sản xuất, chưa tìm thị trường tiêu thụ cho người dân ngoài các doanh nghiệp. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, cây sầu riêng đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh nên cần tiếp tục duy trì phát triển, sử dụng giống mới có năng suất cao, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các huyện phía Đông phù hợp để phát triển cây cam, bưởi, quýt, chuối và các loại cây ăn quả khác như: nhãn, mãng cầu... Bí thư Tỉnh ủy gửi lời cảm ơn các nhà khoa học đã cung cấp những thông tin giá trị cho tỉnh và khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện những giải pháp hiệu quả để người dân được thụ hưởng.
NGUYỄN DIỆP