(GLO)- “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, điều này rất đúng với nhiều người nhưng riêng với các nhà vườn nhận chăm sóc mai thì không phải vậy. Sau Tết, họ lại tất bật với việc tuốt lá, cắt cành tỉa ngọn, thay đất, bón phân để hồi sức cho những gốc mai nhận gửi.
Đối với nhà vườn nhận chăm sóc mai thì sau Tết là khoảng thời gian tất bật nhất. Từ mùng 10 Tết trở đi, khi những cây mai sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” khoe sắc trong những ngày Xuân thì các chủ cây sẽ mang đến nhà vườn để gửi chăm sóc.
Tháng giêng… nào phải tháng ăn chơi!
Ảnh: Minh Triều |
Đang xịt nước rửa rêu cho những gốc mai nhưng khi thấy sự xuất hiện đột ngột của tôi, anh Đinh Văn Tiến-một trong những chủ vườn nhận chăm sóc mai với quy mô khá lớn ở tổ 15, phường Yên Thế (TP. Pleiku), vội dừng tay tiếp chuyện. Khi biết tôi đến tìm hiểu việc nhận chăm sóc mai sau Tết, như bắt được dịp, anh trải lòng: Vườn nhà anh có 1.000 gốc mai, trong đó nhận chăm sóc 400 gốc, giá trung bình từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/gốc; nếu vừa chăm, vừa ghép, vừa tạo dáng thì có thể lên đến 10 triệu đồng/gốc. Theo anh Tiến, nếu thời tiết thuận lợi thì sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc khoảng 60% thì chủ vườn nhận được 40%.
Để “hồi sức cấp cứu” cho những cây mai ngay sau khi được chủ cây đưa đến, các chủ vườn phải vất vả tuốt bông, bấm lá, cắt tỉa cành nhánh, xịt rửa rong rêu bám trên cây rồi thay đất, bón phân, tưới nước… Anh Đinh Văn Tiến chia sẻ: “Công việc này vất vả chủ yếu trong một tháng sau Tết, những tháng còn lại thì chăm sóc định kỳ như bón phân hoặc phun thuốc kích thích tăng trưởng cho rễ hoặc thêm phân bón lá, thuốc trừ sâu và đề phòng sâu đục thân, bọ trĩ, bệnh quăn lá… Chủ yếu là lấy công làm lời thôi!”. Những chủ cây gửi vườn nhà anh Tiến đa phần là ở địa bàn TP. Pleiku, ngoài ra một số chủ cây ở các huyện, thị xã như Ayun Pa, Đức Cơ, Ia Grai hay ở tỉnh Kon Tum cũng tìm đến. Vì hài lòng với cách chăm mai của anh nên mặc dù năm nay khá nhiều chậu mai không nở hoa nhưng chủ cây vẫn tiếp tục gửi.
Còn theo anh Trần Đức Mân-số 15 đường Út Tịch, tổ 11, phường Hội Phú, TP. Pleiku-năm nay giá chăm mỗi gốc mai có sự dao động nhẹ, theo đó mức giá tăng thêm khoảng 100 ngàn đồng/gốc. Ngoài ra, tùy theo cây mai to hay nhỏ mà giá nhận chăm cũng khác nhau, đối với những cây mai gốc lớn có giá trị cao đòi hỏi phải được chăm sóc cẩn trọng hơn, tỉ mỉ hơn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn. Anh Mân cho biết, việc chăm mai không khó, nhưng quan trọng nhất là lảy lá vào thời gian nào để cây ra hoa đúng dịp Tết, bởi vì có khi lảy lá trước tết 40 ngày nhưng cây không chịu ra hoa đúng dịp; có khi chỉ lảy trước Tết có 20-25 ngày mà hoa vẫn… nở ào ào. Vất vả là vậy, ròng rã một năm trời chăm sóc nhưng đôi khi kết quả lại phụ thuộc vào tháng cuối năm. Thời tiết thuận lợi thì mai ra hoa đúng dịp Tết, còn khi thời tiết khắc nghiệt mai bị “điếc” thì nhà vườn không những mất toi công chăm sóc mà còn bị chủ những cây mai này “lời ra, tiếng vào”.
Thời tiết “chơi khăm” chủ vườn
Vất vả chăm mai sau Tết. Ảnh: Minh Triều |
Chỉ vào chậu mai có ghi số 34, anh Trần Đức Mân than thở: “Năm trước cây này lảy lá trước Tết 30 ngày thì hoa nở đúng thời điểm. Năm nay lảy lá trước 34 ngày nhưng mãi đến hôm nay mới ra hoa!”. Mặc dù đã hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng năm nay hơn 100 gốc mai mà anh Mân nhận chăm sóc cũng không hề có cây nào ra hoa đúng dịp Tết, hơn 50 gốc mai của vườn nhà anh để dành cho thuê thì cũng không khá hơn, chỉ được vài cây ra hoa, mọi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng thì năm nay chỉ được tầm 10 triệu đồng, chưa đủ tiền thuốc và phân bón.
Theo anh, nghề chăm mai phụ thuộc đến 80% vào thời tiết, mặc dù theo dõi thời tiết, dự doán trước các tình huống không mong muốn có thể xảy ra nhưng thời tiết lạnh quá thì không có cách gì làm cho hoa bung được. “Theo tôi biết thì năm nay chỉ có 7-8 vườn trong tổng số gần 30 vườn trên địa bàn TP. Pleiku là đạt trên 50%, còn những vườn còn lại thì đạt cỡ 40%, thậm chí là chỉ đạt tầm 20% như vườn của tôi”-anh Mân cho biết. Để chứng minh điều này, anh đưa tay chỉ cả vườn mai đang nở vàng rực, những cánh hoa đang đu đưa dưới nắng như muốn trêu tức người đã dày công chăm sóc gần 1 năm trời ròng rã. Vừa lặt bỏ những bông hoa mai rực rỡ, anh Mân vừa ngậm ngùi: “So với mọi năm thì năm nay thất thu hoàn toàn vì hoa chỉ nở sau Tết”.
Ảnh: Minh Triều |
Cùng tâm trạng, anh Tiến cũng thểu não: “Năm nay thất bát quá chú ơi!”. Do tiết trời quá lạnh nên đa số những gốc mai mà anh đã lảy lá đều bị “điếc” hoặc có ra nụ nhưng cũng không bung cánh hoa ra được. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hơn 1.000 gốc mai thì chỉ có gần khoảng 400 cây ra hoa nhưng cũng không được đẹp như mọi năm. Tuy vậy, một khi đã nhận chăm mai thì các chủ vườn đều phải chấp nhận “đánh cược” với thời tiết.
Chia sẻ với chủ vườn về điều này, anh Nguyễn Quốc Uy-số 526 Lê Đại Hành, phường Yên Thế, TP. Pleiku-cho biết: “Tôi có hai gốc mai gửi ở đây nhiều năm, nhưng riêng năm nay thì không cây nào ra hoa. Tôi đành phải mượn gốc mai khác của bạn về chơi. Cũng phải thông cảm thôi, thời tiết cuối năm lạnh nên không chỉ vườn của anh Tiến mà hầu như các vườn khác cũng đa phần chịu chung cảnh này”.
Minh Triều