Năm 2011 là năm thứ 11, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh gắn bó với mặt trận Gia Lai, nơi còn nhiều huyện, xã nghèo cần sự hỗ trợ, giúp đỡ. Quãng thời gian đó đủ dài để khẳng định mối thâm tình giữa sinh viên và bà con các dân tộc Gia Lai. Và cho đến nay, cái tên “Nông Lâm” đã thực sự trở nên gần gũi, quen thuộc với Gia Lai, đặc biệt là với các bà con các huyện, xã nghèo.
Hành trình của những chiến sĩ mới
Trong số 264 chiến sĩ tham gia tình nguyện hè năm 2011 tại địa bàn các huyện: Kông Chro, Mang Yang, Chư Pưh và Phú Thiện thì có đến 80% chiến sĩ lần đầu đặt chân đến Tây Nguyên-Gia Lai. Bỡ ngỡ, có chút lo lắng là tâm trạng chung của hầu hết các chiến sĩ song sự nhiệt tình, hăng hái cũng đủ lấn át để họ tập trung cho các hoạt động chính. Kiên định với phương châm: “Đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin”. Thời gian qua, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm luôn là lực lượng tiên phong, tình nguyện về với những vùng đất thiếu thốn, khó khăn nhất. “Hỗ trợ, giúp đỡ bà con cải thiện mức sống, giúp họ mở mang kiến thức, thay đổi nếp sống cũ, lạc hậu và cũng tạo cơ hội để sinh viên cọ xát thực tế, biết vượt qua gian nan, thử thách để trưởng thành hơn trong cuộc sống...”. Thầy Huỳnh Thanh Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm chia sẻ trong đợt thăm sinh viên tình nguyện tại các địa bàn chiến dịch.
Cắt móng tay cho các em nhỏ. Ảnh: H’yuên |
Phát huy tinh thần tình nguyện của các thế hệ anh chị đi trước, tân sinh viên tình nguyện hè 2011 tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực như: Sửa chữa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, giúp dân làm nhà, phát quang, dọn dẹp vệ sinh tại các điểm trường kết hợp mở từ 1 đến 2 lớp ôn tập hè cho các em thiếu nhi ở mỗi xã.
Đến với các xã nghèo như: Kon Chiêng của huyện Mang Yang hay Chư A Thai của huyện Phú Thiện... các chiến sĩ đã hình dung trước những khó khăn, thử thách buộc phải trải qua, thiếu thốn về mọi thứ. Vì vậy, họ đã nỗ lực hết mình để thực hiện kế hoạch, đảm bảo các mục tiêu đề ra. Nhận thấy thực trạng tồn tại nhiều chiến sĩ tác chiến tại địa bàn Chư A Thai (huyện Phú Thiện) đã mạnh dạn đưa ra những ý kiến hóm hỉnh mà không kém thiết thực cho bà con như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách sắm loa truyền thanh cho mỗi làng, mỗi thôn để tập hợp bà con thuận lợi khi sinh hoạt, hội họp; đầu tư làm đường nông thôn để bà con đi lại thuận tiện hơn; sửa chữa trường học cũ; hệ thống thủy lợi cung cấp đủ nước để bà con làm ruộng đạt năng suất... mỗi ý kiến tuy khác nhau nhưng tựu chung đều hướng đến mục đích cải thiện cuộc sống của bà con nơi vùng sâu, vùng xa.
Tình cảm của những người ở lại
Không biết từ lúc nào màu áo xanh của các chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Nông Lâm đã trở nên quen thuộc với bà con ở đây đến vậy. Mỗi một việc làm như càng gắn chặt tình cảm lâu nay từng có, những người ở lại rối rít khen ngợi với tất cả tấm lòng “Sinh viên Nông Lâm về đây giúp bà con dân làng rất nhiệt tình, làm rẫy, sửa nhà cho bà con, giao lưu bóng chuyền cùng thanh niên, dạy các em nhỏ, hễ sinh viên về làng là mọi người đều phấn khởi...”-anh Đinh Guen-Phó Trưởng Công an xã Đê Ar (huyện Mang Yang) chia sẻ. Thời gian tình nguyện của các chiến sĩ vỏn vẹn hơn một tháng song để lại trong lòng dân tình cảm lưu luyến, “Các chiến sĩ về lại thành phố thật buồn, đặc biệt là các em nhỏ cứ quấn lấy các anh chị, giữ không cho đi, tội lắm!”-chị Đinh Ayunh làng Ar Tôk-xã Đê Ar kể sau đợt chia tay sinh viên.
Với tinh thần tình nguyện, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các chiến sĩ tình nguyện của Trường Đại học Nông Lâm luôn mang một sinh khí mới cho vùng đất mà họ đặt chân đến, mỗi bước đi, mỗi hành động của họ luôn để lại tình cảm, dấu ấn tốt đẹp với bà con, thanh thiếu nhi các dân tộc Gia Lai. Để khẳng định thương hiệu trong hoạt động tình nguyện, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm hứa hẹn sẽ tiếp tục viết nên những ước mơ, hoài bão nơi vùng sâu, vùng xa, tình nguyện “đến những nơi khó khăn nhất, xa nhất”.
H’yuên