(GLO)- Lâu nay, làng Kbiêu (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) gặp nhiều khó khăn khi nằm cách biệt bên kia sông Hway. Chính vì vậy, một cây cầu bắc qua sông là niềm mong mỏi lớn nhất của dân làng…
Chúng tôi đứng bên này sông Hway nhìn sang những mái nhà sàn nhấp nhô, thưa thớt bên lưng chừng đồi ở phía bên kia bờ, dè dặt nhìn lòng sông rộng gần 50 mét đang mùa nước cạn mà ngao ngán. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng sang được làng Kbiêu sau khoảng 30 phút loanh quanh để tìm được đường lội qua đỡ nguy hiểm nhất. Làng nằm tựa lưng vào triền đồi, bao quanh là những thảm rừng xanh thẳm, gió lùa từng cơn lạnh đến tê người.
Sông Hway đoạn qua làng Kbiêu. Ảnh: P.L |
Những người trong làng kể, chẳng biết làng hình thành từ khi nào, chỉ biết là từ lúc sinh ra đã thấy ông bà, rồi cha mẹ sống ở đây. Ruộng rẫy cũng ở hết bên này bờ Hway, mất nửa ngày đi mới tới. Trên rẫy cũng trồng ít bắp, mì, lúa rẫy,… cuối vụ thu cũng chỉ vừa đủ để cho mấy miệng ăn trong nhà. Cũng vì thế mà trong từng ngôi nhà ở làng Kbiêu, đồ dùng vẫn còn đơn sơ, cả 5-6 cháu bé nằm xếp hàng cùng xem một chiếc tivi cũ kỹ. Một cháu nhỏ khoảng 3 tuổi khóc ré lên và bỏ chạy khi thấy ống kính chụp ảnh lạ lẫm đang hướng về phía mình.
Chẳng cần hỏi nhiều cũng biết hàng ngày dân làng qua bên kia sông như thế nào. Sống mãi thành quen, đến cả lội qua sông cũng có đường riêng, chỉ người trong làng mới biết. Cho nên họ không mất nhiều thời gian như chúng tôi khi mới tới lần đầu. Vì thế, thoắng một cái, đã thấy cậu thanh niên ở bên kia bờ, sau đó lại ung dung cưỡi xe máy ngang qua lòng sông đầy đá về làng.
Trong buổi làm việc tại huyện vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã đề nghị huyện khảo sát lòng sông Hway để có thể làm một chiếc cầu treo cho dân làng. Hy vọng dự án trên sớm được triển khai để niềm mong mỏi của bà con làng Kbiêu về một cây cầu sớm thành hiện thực. |
Bây giờ, làng đã có điểm trường tiểu học nên các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5 không cần túm áo nhau lội qua sông nữa. Nhưng các anh chị của chúng thì hàng ngày vẫn phải ít nhất hai lần đi về ngang qua lòng sông để đến với con chữ ở bên kia bờ. “Có hôm lội qua bị trượt ngã, cả quần áo và sách vở đều ướt sũng. Còn mùa lũ thì không có cách nào để qua được nên tụi em đành nghỉ học”-em Đinh Thị Tường (lớp 9, Trường THCS Lê Lợi, xã Đak Tơ Pang) tâm sự.
Với địa thế xung quanh bao bọc bởi rừng, nằm tách biệt bởi lòng sông rộng, mỗi mùa lũ đến, cả làng Kbiêu lại càng trở nên bị cô lập hơn khi mọi giao thương đều bị đình trệ. Công tác ở Trạm Y tế xã 2 năm, chị Lý Thị Cao Nguyên cho biết: “Cũng vì lội sông vất vả nên dân làng ít sang bên này chữa bệnh, lúc nào nguy kịch lắm mới sang. Phần lớn là nhân viên của trạm trực tiếp sang làng khám bệnh, phát thuốc. Đặc biệt, chúng tôi rất khó khăn trong việc vận động phụ nữ có thai sang trạm để sinh đẻ, đến khi có ca đẻ khó, họ mới gọi mình vào. Nếu mà gặp mùa lũ thì cũng không biết phải làm sao”.
Năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1761/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án hỗ trợ di dân, thực hiện tái định canh định cư cho đồng bào thiểu số giai đoạn 2007-2012. Qua đó, dự án hỗ trợ di dân, tái định canh định cư với 62 hộ dân ở làng Kbiêu với nhu cầu vốn đầu tư là 5,8 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai bởi chưa có vốn, phần khác là do dân làng chưa chịu dời đi. Sang bên này ở rồi, lũ trẻ không phải lội sông đến trường, cũng không phải nghỉ học vào mùa lũ.
Thế nhưng chính chúng cũng không muốn rời ngôi làng bao đời của ông bà mình để đi chỗ khác, thay vào đó, chúng thích một cây cầu bắc ngang đôi bờ hơn. Người lớn cũng có suy nghĩ riêng khi ở bên này nhưng vẫn phải lội qua bên kia để lên nương, lên rẫy nên cây cầu vẫn là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, với con sông rộng như thế, việc đầu tư xây dựng một cây cầu và việc di dời dân làng sang nơi ở mới, cái nào lợi hơn cái nào. Làm sao để dân làng nhanh chóng ổn định, yên tâm làm ăn, vững bước cải thiện cuộc sống vẫn đang là một bài toán khó không chỉ đối với xã Đak Tơ Pang mà còn cả huyện Kông Chro.
Phương Linh