Công nhân Phan Văn Hoàng, Đội 1, kiến nghị: Chúng tôi đã cùng với Công ty cũ chăm sóc, gầy dựng lên từ những ngày đầu khai hoang, lật đất để đến hôm nay có tổng diện tích cà phê kinh doanh trên 500 ha. 25 năm qua, có những giai đoạn công nhân làm công ăn lương cho Công ty Cà phê Chư Pah cũ phải chịu mức khoán từ 9 tấn đến 12 tấn, khiến cho 1/3 công nhân toàn Công ty phải bỏ vườn vì không đủ nộp sản cho Công ty. Vườn cây không có người chăm sóc xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình thế đó, Công ty Cà phê Chư Pah đã khoán gọn cho người lao động, với mức khoán 3,8 tấn quả tươi/ha, công nhân tự làm chủ vườn cây, phân bón, kỹ thuật, còn Công ty hỗ trợ tiền nước tưới vào mùa khô, bảo vệ sản phẩm khi thu hoạch và vận chuyển cà phê về kho. Bằng phương thức khoán gọn, người lao động yên tâm gắn bó, đầu tư công của vào vườn cây, dần dần, vườn cây mới phục hồi.
Công nhân buồn khi nghe tin Công ty bị giải thể. Ảnh: K.N.B |
Công nhân Hoàng Thị Nga- Đội 1, phân tích: Trên diện tích 1 ha cà phê khoán cho 1 công nhân, Công ty chi phí tiền bảo hộ lao động (160.000 đồng/năm); chi phí quản lý (5,2 triệu đồng); khấu hao tài sản cố định (gần 5,6 triệu đồng); bảo toàn vốn (gần 2,4 triệu đồng), lễ Tết hỗ trợ cho người lao động (438 ngàn đồng/người); lãi vay vốn đầu tư (21%)- tương đương với số tiền gần 16,8 triệu đồng- trong khi đó người lao động không vay tiền của Công ty cũ nhưng vẫn phải cùng Công ty mới trả nợ số tiền lỗ 42 tỷ đồng từ Công ty cũ để lại. “Theo tính toán, chúng tôi thấy Công ty mới đã thu từ người lao động khoảng 50 triệu đồng/ha cà phê, các khoản khoán khác cộng lại gần 10 triệu đồng nữa, tương đương với 6 tấn cà phê tươi/ha (tính giá thị trường hiện tại là 10.000 đồng/kg cà phê tươi). Trong khi đó người lao động nhận khoán 1 ha, phải tự đầu tư phân bón, công lao động, nước tưới, vận chuyển, bảo vệ… hết khoảng 97,7 triệu đồng mà năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 6 đến 12 tấn quả tươi/ha. Nếu công nhân chấp nhận phương án khoán mới phải bù lỗ gần 40 triệu đồng. Khoản thua lỗ của Công ty cũ không thể bắt người lao động gánh nợ như thế?
Hơn nữa, trên 700 lao động đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mức lương của Công ty cũ nhưng số tiền đó đến nay vẫn chưa được nộp về BHXH tỉnh. Ông Nguyễn Sáu- Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh, cho biết: Công ty Cà phê Chư Pah cũ đã nộp tiền BHXH cho người lao động đến hết tháng 1-2010 và hiện đang nợ BHXH 2,9 tỷ đồng. Trước thông tin này, bà Nga nói thêm: Người lao động đã phải tự đóng 100% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho Công ty cũ. Và vì khó khăn, người lao động thường đóng BHXH vào cuối năm khi nộp khoán và Công ty cũ thu lãi do nộp chậm tiền BHXH của mỗi công nhân là 1,5%/tháng trong ba năm (2008-2010)- trong khi BHXH tỉnh thu lãi nộp chậm theo luật chỉ có 0,87%/tháng (Công ty cũ đã tự thu tăng gần 0,7%/tháng của người lao động). Vậy số tiền người lao động đã đóng BHXH và tiền lãi thu cao của Công ty cũ chui vào túi ai?
Sau khi nghe những kiến nghị, thắc mắc của nhiều công nhân ở Đội 1, 3, 8, tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng ban Giải thể Công ty Cà phê Chư Pah cũ, nói: Trong phương án khoán của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai, số tiền do Công ty cũ làm ăn thua lỗ 42 tỷ đồng mà buộc người lao động phải chịu trong phương án khoán vườn cây là hoàn toàn sai. Phương án khoán vườn cây của Công ty phải dựa vào quy định của Nhà nước và căn cứ vào thực tế của vườn cây, đồng thời xem xét các công ty khác cùng trồng cà phê trên địa bàn để áp dụng mức khoán chung cho công nhân. Việc giải thể Công ty Cà phê Chư Pah đang còn rất nhiều vấn đe.
Kết luận buổi đối thoại, ông Phùng Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thống nhất: Sau buổi làm việc này, các sở, ngành liên quan vào cuộc cùng với Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai tính toán để có phương án khoán mới đảm bảo được 3 lợi ích: Người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước. Số tiền thua lỗ 42 tỷ đồng sau khi Hội đồng giải thể có kết luận cuối cùng, Giám đốc cũ sai chỗ nào phải chịu trước pháp luật và người lao động. Còn tiền BHXH công nhân đã đóng mà Giám đốc Công ty cũ chưa nộp về cho BHXH tỉnh thì Giám đốc phải bỏ tiền túi mà đóng cho công nhân. Trước mắt, người lao động nên yên tâm sản xuất. Tất cả những thắc mắc, kiến nghị UBND tỉnh sẽ sớm có kết luận giải quyết.