(GLO)- Hành lang an toàn lưới điện cao áp bao gồm đường dây trên không, đường dây cáp ngầm và hành lang bảo vệ an toàn trạm điện. Khi hành lang an toàn lưới điện cao áp bị xâm hại, khả năng xảy ra sự cố mất điện, ảnh hưởng đến quy trình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các sinh hoạt thường ngày của khách hàng sử dụng điện là rất cao. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, cung ứng nguồn điện liên tục cho khách hàng sử dụng điện được Công ty Điện lực Gia Lai đặt lên hàng đầu thông qua nhiều giải pháp thiết thực.
Sửa chữa lưới điện. Ảnh: K.N.B |
Nỗ lực là vậy, song những năm gần đây, hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh vẫn bị xâm phạm, gây sự cố lưới điện và ít nhiều làm tổn thất sản lượng điện năng. Chỉ tính trong năm 2013 đã có không dưới 100 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhất là vi phạm hành lang an toàn đường dây dẫn điện trên không vẫn xảy ra tại 16 huyện, thị xã, thành phố.
Theo Công ty Điện lực Gia Lai, hình thức vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua rất đa dạng, song phổ biến nhất vẫn là nhà ở, công trình chưa đáp ứng 5 yêu cầu được phép tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao áp được quy định tại Điều 6, khoản 6.1 của Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Theo Điều 6, khoản 6.1 của Nghị định 106 quy định về nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không thì nhà, công trình phải làm bằng vật liệu không cháy; kết cấu kim loại phải nối đất; không cản trở đường ra vào; đảm bảo khoảng cách an toàn đến công trình điện và cường độ điện trường dưới mức cho phép an toàn cho con người và đường dây trên không theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân trồng mới cây xanh các loại, xây dựng, cải tạo, cơi nới nhà cửa, hiên nhà, vật kiến trúc... trong hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, ngoài sự thiếu ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp của người dân, còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý, vận hành hệ thống điện ở cơ sở. Cụ thể là chưa thông báo an toàn, lập biên bản hiện trường, biên bản xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực và bản cam kết tự chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố do lỗi vi phạm của chủ hộ. Hơn nữa, quá trình quản lý, vận hành của các đơn vị mới chỉ quan tâm đến nhà, công trình vi phạm mà chưa chú trọng đúng mức đến các vi phạm khác thường xuyên đe dọa an toàn công trình điện như cây cối trong và ngoài hành lang, trong và ngoài thành phố, thị xã, thị trấn; cột ăngten..
Để đảm bảo an toàn lưới điện cao áp, thời gian tới, Công ty Điện lực Gia Lai sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành trực thuộc phải làm đúng, đủ trình tự hồ sơ các vụ vi phạm phát sinh; tiếp tục xử lý các vụ vi phạm còn tồn đọng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo mới đây của Sở Công thương tại Công văn số 54/SCT-QLĐN, Công ty Điện lực Gia Lai đã xây dựng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp và vận hành an toàn lưới điện trong toàn hệ thống.
Nổi bật là tiếp tục củng cố, tăng cường bộ máy kiểm tra viên điện lực hiện có, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai Luật Điện lực 2004 và Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Các Điện lực trực thuộc triển khai tuyên truyền trực quan trên màn hình lớn tại Phòng giao dịch nội dung an toàn điện trong nhân dân, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để khách hàng sử dụng điện và nhân dân đến giao dịch tại Phòng giao dịch của Điện lực nắm bắt, chung sức với Công ty Điện lực Gia Lai bảo vệ an toàn hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Quang Văn