(GLO)- Anh Trần Vi Tình-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ-cho biết: Toàn huyện có 1.978 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) sinh hoạt ở 17 tổ chức, cơ sở Đoàn. Để đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế trong ĐVTN, Huyện Đoàn thường xuyên phối hợp mở các đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền, vận động ĐVTN tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả lao động.
Huyện Đoàn còn có nhiều hoạt động đồng hành cùng ĐVTN trong phát triển kinh tế như: tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy tiềm năng lợi thế; tích cực phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp gia đình ĐVTN tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất. Đến tháng 3-2020, Huyện Đoàn quản lý 20 tổ vay vốn và tiết kiệm tại 7 xã, thị trấn với 935 hộ vay, tổng dư nợ 31,536 tỷ đồng.
“Từ các chương trình giúp đỡ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, năm 2019, Huyện Đoàn đã hỗ trợ triển khai mô hình trồng chuối Nam Mỹ theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng mức đầu tư 115 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế (2 con dê) cho gia đình thanh niên nghèo tại xã Ya Hội. Phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ như mô hình trồng măng tây, chanh tứ quý, mô hình trang trại VACR, trồng cây ăn quả”-anh Tình nói.
Anh Hà Công Thành (bìa phải; thôn Tân Hội, xã Tân An, huyện Đak Pơ) trao đổi kinh nghiệm trồng măng tây với ĐVTN. Ảnh: N.M |
Tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội), anh Hà Công Thành (SN 1992, thôn Tân Hội, xã Tân An) tham gia nghĩa vụ quân sự rồi trở về quê phụ giúp cha mẹ làm nông. Qua tìm hiểu, thấy cây măng tây có nhiều triển vọng nên anh Thành đã học hỏi thêm về cách trồng loại cây này qua sách báo, đồng thời tham quan một số mô hình hiệu quả. Giữa năm 2019, anh mua giống và bắt tay cải tạo 1 sào đất trồng rau để chuyển sang trồng măng tây. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 6 tháng, măng tây bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi ngày, anh Thành thu được 8-10 kg. Với giá bán 50.000-70.000 đồng/kg, anh thu về khoảng 16 triệu đồng/tháng, cao hơn các loại rau màu khác. “Tôi đang cung cấp măng tây cho một số cửa hàng rau sạch. Thời gian tới, tôi sẽ chào hàng tại một số siêu thị và sẽ mở rộng mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với những gì đã học hỏi được, tôi sẵn sàng chia sẻ với ĐVTN kinh nghiệm ươm trồng loại cây này”-anh Thành cho hay.
Anh Lâm Thành Lưu (tổ 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn chanh dây. Ảnh: N.M |
Sau khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh Lâm Thành Lưu (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) được cha mẹ cho 3 ha đất trồng mía. “Cây mía giá cả thất thường, nếu chỉ tập trung vào đầu tư cho loại cây trồng này thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế. Thấy đầu ra và giá cả của cây chanh dây khá ổn định nên tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. Đầu tiên, tôi chỉ thử nghiệm trên 2 sào”-anh Lưu cho hay. Đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt và qua các lớp tập huấn, anh Lưu tự tin vay vốn cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và mở rộng diện tích trồng chanh dây lên 1 ha. Trên diện tích này, anh còn trồng xen 300 cây mít ruột đỏ. Hiện nay, đã có 5 sào chanh dây cho nguồn thu 350 triệu đồng/năm; 2 ha mía cho thu nhập 30 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Hàng năm, trang trại của anh tạo việc làm cho 10 ĐVTN và người dân với mức tiền công 150.000 đồng/người/ngày.
Theo Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ, đó chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình kinh tế hiệu quả do ĐVTN làm chủ. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ vận động thanh niên tham gia thành lập hợp tác xã kiểu mới; tổ chức tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và chính quyền địa phương trong việc củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn và tiết kiệm do Đoàn Thanh niên quản lý. Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
NGỌC MINH