(GLO)- Giờ đây, du khách đến làng Đak Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chỉ có thể được chiêm ngưỡng điệu xoang, thưởng thức tiếng chiêng tha qua các hội thi. Những ai may mắn lắm mới được tham dự lễ hội tổ chức ngay tại cộng đồng của một trong số những dân tộc ít người nhất Việt Nam-dân tộc Brâu.
Sau ngày thống nhất đất nước, tôi nằm trong tốp giáo viên đầu tiên tiếp cận với huyện Đak Tô (cũ) gồm cả vùng Sa Thầy và Ngọc Hồi ngày nay. Có thời kỳ, tôi về xây dựng phong trào giáo dục ở vùng ngã ba biên giới Đak Xú, Bờ Y, nơi một tiếng gà gáy cả 3 nước đều nghe. Nơi đây chủ yếu là dân tộc Ca Dong sinh sống, đặc biệt có một ngôi làng của người Brâu với khoảng dưới 200 nhân khẩu-một trong số các dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Chiêng tha được diễn tấu rất độc đáo, 2 người ngồi bệt xuống đất, quay mặt vào nhau, bàn chân nâng áp sát thành chiêng để ngắt tiếng (ảnh nguồn: dantocmiennui.vn) |
Anh A Nhoong-Hiệu trưởng Trường cấp I Đak Xú bấy giờ, cho biết: Thời chiến tranh, dân tộc Brâu chưa thể định cư mà thường xuyên di chuyển dọc theo biên giới Việt-Lào-Campuchia để vừa tránh bom đạn của địch đánh phá, vừa tìm nơi canh tác nương rẫy để tồn tại. Dòng họ của tộc người Brâu sinh sống lâu đời ở vùng hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Sau giải phóng, người Brâu được Nhà nước vận động về định cư ở làng Đak Mế ngày nay.
Bấy giờ, làng người Brâu còn rất nghèo khổ với vài chục nóc nhà sàn bằng tranh tre nứa lá được cấu trúc theo kiểu hình vành khăn xoay mặt về ngôi nhà rông ở giữa, như một đàn gà con quẩn quanh bên gà mẹ. Cuộc sống của họ gắn bó với nền nông nghiệp lúa rẫy phát-đốt-chọc-trỉa và săn bắn thú rừng. Ngày mùa, từ tháng 3 trở đi, những người trong độ tuổi lao động thường rời làng dắt díu nhau lên rẫy, cách xa làng cả nửa ngày đường đi bộ. Họ trồng trỉa và sống hẳn ở đó cho đến khi thu hoạch xong mới trở về làng Đak Mế tổ chức lễ hội mừng lúa mới.
Du khách đến thăm làng vào dịp ngày mùa thì thường chỉ gặp những người già và trẻ con đang còn tuổi đi học. Người Brâu ở Đak Mế rất thân thiện và hiếu khách. Họ còn giữ những phong tục truyền thống rất đặc thù, tất nhiên có nhiều điểm tương đồng với các dân tộc anh em ở Trường Sơn-Tây Nguyên. Nổi bật là tín ngưỡng đa thần với thần núi, thần sông, thần cây, thần lúa, thần chiêng, thần ché…
Đặc biệt, người Brâu còn giữ phong tục cà răng, căng tai. Theo quan niệm thẩm mỹ của người Brâu, các chàng trai ở tuổi trưởng thành phải cà 4 cái răng cửa hàm trên, còn phụ nữ phải căng tai, đeo nhiều vòng kiềng, hạt cườm ở cổ, tay và chân; nam nữ còn giữ tục xăm mình… Lễ hội của người Brâu tổ chức theo chu kỳ nông nghiệp, từ khi phát rẫy, làm đất, gieo hạt cho đến khi thu hoạch, đem lúa về kho đều phải cúng. Tuy nhiên, lễ hội lớn nhất hàng năm mang tính cộng đồng là lễ ăn mừng lúa mới hoặc khi làm nhà rông mới dân làng cũng tổ chức lễ cúng ăn mừng khá hoành tráng. Trong các lễ hội, người Brâu thường sử dụng cồng chiêng, đặc biệt là bộ chiêng tha-loại chiêng có giá trị cao về vật chất và tinh thần. Trước khi đem chiêng tha ra sử dụng, họ phải cúng và mời thần chiêng lên tiếng trước, sau đó các loại cồng, chiêng Lào mới tiếp bước. Bộ chiêng tha chỉ có 2 chiếc (chiếc vợ, chiếc chồng) và cách đánh chiêng cũng độc đáo, không giống với các loại chiêng bình thường.
Sau năm 1975, vì là một trong các dân tộc ít người nhất Việt Nam nên người Brâu ở Đak Mế được Nhà nước rất quan tâm với các dự án định canh-định cư, chăm lo đời sống, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ngày nay, dân số Brâu đã tăng gấp đôi so với những ngày đầu sau giải phóng; các gia đình đều có nhà xây cấp 4, có cánh đồng lúa nước 2 vụ, không còn lo thiếu đói; các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường, từ mầm non đến trung học, có nhiều em đã học cao đẳng, đại học.
Trở lại làng Đak Mế của người Brâu mới đây, tôi không còn nhận ra ngôi làng truyền thống ngày xưa, mặc dù ngay đầu làng vẫn còn đấy ngôi nhà rông chính và 2 bên là 2 nhà phụ được xây cất khá hiện đại theo mô hình kiến trúc của người Brâu. Nhà cửa của các hộ được chia ô bàn cờ và xây cất theo kiểu hiện đại, rất ít gia đình còn nhà sàn. Tuy cuộc sống của dân tộc Brâu ở Đak Mế có khá hơn nhưng ai cũng thầm tiếc nhớ một ngôi làng tranh tre nứa lá xưa kia với vẻ đẹp hoang sơ, người làng còn giữ nhiều phong tục, tập quán độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Brâu.
Bùi Quang Vinh