(GLO)- Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Đak Đoa đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quá trình thực hiện Nghị quyết đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Từ xây dựng và phát triển phong trào văn hóa
Ảnh: Thu Huế |
Xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của văn hóa đối với đời sống xã hội và con người, huyện Đak Đoa đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể. Huyện đã đưa đề cương giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện vào giảng dạy ở các cấp học phổ thông và các lớp bồi dưỡng chính trị của huyện; đề xuất với tỉnh và tiến hành các bước tiến tới xây dựng khu di tích lịch sử, văn hóa Anh hùng Wừu là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương; hoặc việc đầu tư kinh phí hỗ trợ các làng đồng bào dân tộc thiểu số mua sắm các bộ cồng chiêng và một số nhạc cụ dân tộc Bahnar, Jrai; thực hiện việc thí điểm đưa cồng chiêng vào giảng dạy ở các trường học có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, rộng khắp.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ quần chúng, các hội thi, hội thao, hội diễn văn hóa truyền thống hàng năm, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Song song với các phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng nhiệt tình tham gia. Hiện nay, toàn huyện có 193 sân bóng đá (có 15 sân chuẩn cấp 5 và 1 sân vận động huyện rộng 4 ha, đạt tiêu chuẩn cấp 4); 140 sân bóng chuyền, trong đó có 35 sân bằng bê tông.
Đội ngũ làm công tác thể dục thể thao ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Thể thao thành tích cao cũng đã được huyện quan tâm, bằng việc phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu cho tỉnh nhiều vận động viên, nhất là vận động viên môn bóng đá, võ thuật, đẩy gậy, việt dã… Ngoài ra, huyện thành lập đoàn vận động viên tham gia các giải do tỉnh tổ chức như Đại hội Thể dục Thể thao, Giải việt dã, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, Giải Bóng đá thiếu niên nhi đồng, các giải võ như Vovinam, Karatedo, võ cổ truyền đạt rất nhiều huy chương các loại và xếp vị trí cao.
Việc tổ chức việc tang, cưới, lễ hội theo Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị cũng có những chuyển biến nhất định. Các hoạt động lễ hội được sự chỉ đạo của các cơ quan có trách nhiệm, không để biến tướng, kẻ xấu lợi dụng. Công tác quản lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện luôn được chú trọng, tổ chức tốt việc cấp giấy phép hành nghề đối với các dịch vụ hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn như dịch vụ karaoke, các quán cà phê, các quày cho thuê băng hình…
Đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Trong những năm qua, Đak Đoa đã từng bước bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Huyện thường xuyên tổ chức các hội thi biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng và tạc tượng, từ đó tuyển chọn và thành lập các đội nghệ nhân đi tham gia các sự kiện lớn của tỉnh và giao lưu văn hóa giữa các vùng, trong cả nước như năm 2009 tham gia Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai, năm 2010 tham gia biểu diễn phục vụ Đại hội đại biểu các dân tộc toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Các đội nghệ nhân như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, cà kheo, bắn nỏ… được kiện toàn và hàng năm đều tổ chức thi đấu, song hành với việc tổ chức các lễ hội truyền thống còn lưu giữ như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng giọt nước và lễ bỏ mả.
Bên cạnh đó, tiếng nói và chữ viết các dân tộc trong huyện luôn được gìn giữ và phát huy, đồng thời tổ chức các lớp học tiếng Bahnar, Jrai cho cán bộ tại huyện. Các tác phẩm nghệ thuật trong dân gian được khuyến khích lưu truyền như các bài dân ca, trường ca, các điệu múa, các điệu hát ru, trang phục dân tộc,… đặc biệt là văn hóa cồng chiêng được gìn giữ và phát huy. Công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian từng bước được đẩy mạnh, tổ chức phối hợp với các đoàn nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh, khảo sát và tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc.
Qua khảo sát cuối năm 2011, toàn huyện có 131 bộ cồng chiêng. Các loại hình văn hóa, văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể được tổ chức đa dạng và ngày càng phong phú hơn, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Năm 2012, huyện đã xây dựng và thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu niên 2 xã Glar và Hà Bầu. Kết quả đã truyền dạy cho 70 thanh-thiếu niên 2 xã cách đánh cồng chiêng và múa xoang.
Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Trương Phước Anh khẳng định: “Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển văn hóa như: xã Kdang, Glar, Hà Bầu và làng Mráh (xã Kdang) có thành tích trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Trường Tiểu học xã A Dơk, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện có thành tích trong truyền dạy cồng chiêng cho học sinh; ông Khelly Khiêm-cán bộ Văn hóa Thông tin xã Glar có thành tích trong bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc; bà M’Lop-Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar, nghệ nhân truyền nghề dệt thổ cẩm; ông Pơl, làng Nglâm, xã Ia Pết, nghệ nhân truyền nghề tạc tượng và làm các nhạc cụ dân tộc… và cùng nhiều tập thể, cá nhân điển hình khác đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của huyện qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)”.
Thái Bình