Đak Đoa: Rộn rã ngày hội bóng đá chào mừng ngày Quốc khánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã thành thông lệ, hàng chục năm nay, cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, người dân huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) lại nô nức đổ về sân vận động huyện để đón xem trận chung kết của Giải bóng đá truyền thống. Đó thực sự là ngày hội với những khán giả nơi đây khi được đón cái Tết độc lập trong bầu không khí rộn rã.

Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, Phó Trưởng Ban tổ chức giải cho hay: Giải bóng đá truyền thống huyện Đak Đoa đã trở thành thương hiệu từ hàng chục năm nay. Hàng năm, cứ đến ngày Quốc khánh 2-9, người dân khắp nơi lại đổ về sân vận động huyện không chỉ để thưởng thức trận cầu cuối cùng của giải, mà còn tận hưởng không khí sôi động mà hiếm sự kiện nào có được.

Trận chung kết giữa 2 đội A Dơk và Glar đã diễn ra với chất lượng chuyên môn cao. Ảnh: Văn Ngọc
Trận chung kết giữa 2 đội A Dơk và Glar đã diễn ra với chất lượng chuyên môn cao. Ảnh: Văn Ngọc

“Giải đấu mang tính truyền thống này là sự kiện văn hóa-thể thao nổi bật của huyện được tổ chức đúng dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển phong trào bóng đá tại huyện mà còn là điểm đến cho người dân đón một cái Tết độc lập lành mạnh, ý nghĩa. Sau giải, chúng tôi sẽ tuyển chọn những cầu thủ tốt nhất vào đội tuyển huyện Đak Đoa chuẩn bị tranh tài tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX năm 2022 sắp sửa diễn ra”-bà Hoài thông tin.

Đak Đoa từ lâu được xem là cái nôi của bóng đá phong trào tại Gia Lai khi sản sinh ra nhiều cầu thủ chất lượng. Có một số cầu thủ đã “vươn mình” từ những giải đấu cấp huyện để thi đấu chuyên nghiệp. Do đó, sức hút của giải đấu là rất lớn. Khoảng 12 giờ trưa 2-9, mọi ngả đường tại huyện Đak Đoa dòng người nườm nượp đổ về sân vận động huyện. Không chỉ đàn ông, cả phụ nữ và trẻ em cũng nô nức đến sân như đi trẩy hội.

Thống kê sơ bộ có khoảng gần 20.000 người đón xem 2 trận đấu tranh hạng 3 và chung kết. Đây rõ ràng là một con số quá ấn tượng với giải đấu cấp huyện và không hề thua kém một giải đấu phong trào nào. Các dịch vụ ăn uống xung quanh sân động động cũng được dịp “ăn theo” sự kiện đặc biệt này. Khán đài của sân khá nhỏ nên người dân ngồi ken đặc xung quanh đường biên của sân bóng tạo ra “biển người” bất kể trời nắng gắt. Ai nấy đều bàn luận rôm rả về trận đấu và cổ vũ cho các đội bóng một cách nồng nhiệt nhưng cũng đầy văn minh. Anh Sếu (xã Glar, huyện Đak Đoa) hồ hởi: “Năm nào cũng vậy, cứ 2-9 là dân làng lại đổ ra sân vận động để ăn Tết dù cho đội bóng của xã Glar chúng tôi có vào chung kết hay không”.  

Giải đấu năm nay bắt đầu từ ngày 5-8 với sự tham gia của 14 đội bóng đại diện của các xã, thị trấn trên địa bàn với hơn 300 cầu thủ thi đấu. Đặc biệt, các cầu thủ đều là những người con của huyện Đak Đoa và thi đấu cho chính địa phương mình để giữ gìn bản sắc đặc trưng của giải bóng đá truyền thống. Các đội được chia làm 4 bảng để thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm chọn ra 2 đội nhất, nhì ở mỗi bảng vào chơi vòng tứ kết.  

Đội bóng xã A Dơk đã giành chức vô địch. Ảnh: Văn Ngọc
Đội bóng xã A Dơk đã giành chức vô địch. Ảnh: Văn Ngọc

Vượt qua 12 đối thủ, 2 đội bóng được đánh giá cao là Glar và A Dơk đã đụng độ nhau ở trận chung kết. Cả 2 đều sở hữu nhiều cầu thủ hay, đã nhiều năm “chinh chiến” ở các giải đấu phong trào lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Do đó, trận cầu đã diễn ra hấp dẫn với chất lượng chuyên môn cao. Đội bóng xã A Dơk là những người vươn lên dẫn trước ở hiệp 1 nhưng đã không giữ được lợi thế đó ở những giây cuối cùng của trận đấu khi bị đối thủ san bằng cách biệt 1-1. Kết quả này buộc 2 đội phải phân định thắng thua trên loạt sút luân lưu 11 m. Và ở loạt “đấu súng” đầy may rủi này, đội bóng xã A Dơk đã lên ngôi vô địch với phần thưởng 15 triệu đồng sau khi vượt qua đối thủ với tỷ số 5-4.

Cầu thủ Lưu (xã A Dơk) phấn khởi: “Đội Glar rất mạnh, có nhiều cầu thủ hay. Nhưng hôm nay toàn đội A Dơk đã thi đấu tốt và có một phần may mắn. Đặc biệt là có sự cổ vũ của đông đảo khán giả nên chúng tôi đã chơi quyết tâm hơn với mong muốn cống hiến cho mọi người. Đây sẽ là dịp Quốc khánh 2-9 rất vui và đáng nhớ với người dân xã A Dơk chúng tôi”. Trước đó, ở trận đấu tranh hạng 3, đội bóng xã Ia Pết đã vượt qua đội xã Hnol với tỷ số 4-1 để giành huy chương đồng.

LÊ VĂN NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

Hào hứng chinh phục cung đường Half Marathon Chư Pưh

(GLO)- Sáng 8-12, hơn 850 vận động viên (VĐV) trong và ngoài tỉnh đã hội tụ về Giải chạy Half Marthon Chư Pưh 2024 lần thứ I với chủ đề “Bước chạy xanh-Thân thiện với môi trường”. Các chân chạy đều hào hứng khi được chinh phục cung đường đẹp nhưng đầy thử thách của vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

Hoàng Anh Gia Lai tuyển sinh cầu thủ trẻ

(GLO)- Chiều 5-12, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết sẽ tiến hành tuyển sinh cầu thủ trẻ tại Gia Lai nhằm tìm kiếm lứa cầu thủ kế cận cho đội bóng thông qua sự kiện Festival “Chiến binh tương lai HAGL”.

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.