(GLO)- Vậy là cuối cùng, “phở 2 tô” hay còn gọi là phở khô Gia Lai đã được vinh danh trong làng ẩm thực Việt Nam khi chính thức có tên trong 15 món ngon Việt được đề cử kỷ lục châu Á. Kết quả thế nào phải đến tháng 9 tới khi Tổ chức Kỷ lục châu Á xét duyệt mới biết nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến người dân Phố núi vui và tự hào vì phở khô Gia Lai đã và đang khẳng định thương hiệu riêng có của mình.
Nếu ngày trước, Gia Lai chỉ có lèo tèo vài quán phở thì nay chỉ riêng tại TP. Pleiku số lượng quán phở có tiếng, được thực khách sành ăn công nhận đã lên đến hàng chục quán. Trong đó tiêu biểu như phở Hoàng, Hồng, Ngọc Sơn, Ngọc Linh, Hiệp, Tàu Lý, Nữ, Hạnh… Riêng về phở khô thì có hẳn hai “trường phái” khác biệt là khô gà và khô bò. Đại diện cho khô gà thì đứng đầu là tiệm phở Ngọc Sơn (đường Nguyễn Thái Học) còn khô bò là phở Hồng (đường Nguyễn Văn Trỗi).
Để có món phở khô thơm ngon đòi hỏi người chế biến phải tinh tế. Ảnh: Nguyễn Giác |
Cũng thật trùng hợp là chủ của cả hai tiệm này đều là những người đã góp phần khai sinh và nâng chất phở khô Gia Lai thành món ăn riêng, lạ và có thương hiệu trên toàn quốc (sắp nâng tầm ra ngoài khu vực). Hiện nay, hậu duệ của họ tiếp tục kế thừa và phát huy. Nói về việc khai sinh ra món phở khô Gia Lai, ông Nguyễn Văn Phan (người gốc Hà Nam, năm nay đã ngoài 80 tuổi)-chủ quán phở khô Ngọc Sơn chia sẻ: Thật ra tôi không phải là người đầu tiên khai sinh ra món phở này mà đầu tiên phải kể đến công của ông Nguyễn Thành Mỹ. Ông Mỹ vốn là chủ quán ăn Đại Hưng ngày trước giải phóng. Quán ăn này nằm đối diện với quán nhà ông trên đường Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương).
Quán bán rất đông khách vì có món phở khô gà hai tô độc đáo này. Nhưng sau này, ông Mỹ chuyển qua bán phở khô bò và hiện nay con gái ông Mỹ là chị Hồng cũng kế nghiệp cha mình và quán phở Hồng do chị mở trên đường Nguyễn Văn Trỗi khá nổi tiếng. Riêng ông thì tiếp tục phát huy, tìm tòi công thức với món sở trường phở khô gà và định hình thương hiệu riêng cho mình cho đến ngày nay.
Bí quyết nấu phở khô ngon theo các chủ quán phở có tiếng thì ngoài một số bí quyết gia truyền không tiện nói ra thì việc còn lại chính là nguyên liệu phải thật tươi, ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài nước dùng đậm đà, thanh ngọt thì việc trụng bánh phở cũng có bí quyết riêng. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, không vón cục để thực khách dễ dàng pha chế với tương nâu, xì dầu, tương ớt cho vừa khẩu vị của từng người.
Riêng với phở khô gà thì thịt gà hoặc lòng gà xé hay xắt nhỏ sẽ được bày lên bát phở thứ nhất còn tô súp thì chỉ cho một ít hành ngò và rắc ít tiêu vì thế nước súp gà phải trong, đậm đà và thanh ngọt của nước hầm gà. Còn lại với phở khô bò tái, tái viên, xương thì các thành phần này nằm trong tô thứ hai. Vì thực khách tự trộn bánh phở theo khẩu vị của mình nên có lẽ vậy mà phở 2 tô luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.
15 món ăn đặc sản Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á: Phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, chả cá Lã vọng Hà Nội, bún thang Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng, phở khô Gia Lai, bánh canh Trảng Bàng, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn Sài Gòn, Cơm tấm Sài Gòn, bánh cóng Sóc Trăng. Nguồn: Tổ chức kỷ lục Việt Nam |
Trước thông tin phở khô Gia Lai chính thức có tên trong 15 món ngon Việt được đề cử kỷ lục châu Á, ông Nguyễn Văn Phan nói riêng và những người góp phần nâng chất món ăn này lên tầm cao mới hết sức tự hào vì cuối cùng “phút biến tấu của phở” đã làm nên… thương hiệu.
Chia sẻ trước thông tin này, người dân Phố núi hết sức tự hào vì Gia Lai đâu phải chỉ có hồ tiêu, cà phê,… mà nét ẩm thực của Phố núi cũng hết sức đặc sắc, phong phú điển hình là món phở 2 tô riêng, lạ, hấp dẫn mà du khách không thể không thử qua khi đến với Phố núi. Cái cảm giác bỡ ngỡ, chưa quen lúc đầu sẽ nhanh chóng được khỏa lấp khi được thưởng thực một món phở ngon, lạ và rất đặc trưng. Anh Nguyễn Thành Nam-một khách hàng ruột của quán phở Ngọc Sơn chia sẻ: Nhiều thì một tuần tôi ghé quán ăn phở 3 lần ít thì cũng 1 lần chứ không lại thấy cả tuần cứ như thiếu cái gì đó. Đợt trước tôi có ghé vào TP. Hồ Chí Minh, anh bạn dắt đến một quán có bán phở khô Gia Lai nhưng quả thật mùi vị của phở 2 tô ở đây kém xa Gia Lai nhiều lắm. Vậy mới nói, chỉ ở Gia Lai phở 2 tô có phong vị riêng không đâu bằng.
Chị Từ Thị Phi Điệp-hiện đang công tác tại Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ cũng đồng tình với ý kiến trên. Chị tâm sự: Tôi là người gốc Gia Lai, sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, đã đi công tác nhiều nơi, cũng được thưởng thức nhiều hiệu phở nổi tiếng của cả nước như phở Bát Đàn, phở Vuông (Hà Nội), phở Hòa, phở Quyền, phở Thìn, phở 24, phở Tàu Bay (TP. Hồ Chí Minh)… nhưng mỗi lần về thăm nhà, tôi không thể không thưởng thức món phở khô với hương vị đặc biệt, rất riêng không nơi nào có, đã ăn một lần không thể nào quên. Sau này ở TP. Hồ Chí Minh cũng có một vài quán đề phở khô Gia Lai nhưng quả thật hương vị khác xa nhiều…
…Kết quả cuộc bình chọn 15 món ngon nhận kỷ lục châu Á đến tháng 9 tới sẽ được công bố nhưng riêng với người dân Phố núi thì phở khô Gia Lai đã tạo được kỷ lục từ rất lâu rồi.
Như Nguyện