Ngày 13-7-2011, Báo Gia Lai đăng bài viết “Ăn chặn cả tiền chính sách?” xảy ra tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, về việc 9 trường hợp đã chết từ lâu nhưng hàng tháng vẫn điểm chỉ, ký tên để nhận tiền trợ cấp người có công với cách mạng. Tiếp tục xác minh, chúng tôi phát hiện cán bộ xã đã cố tình dùng tiền để mua sự im lặng của người dân nhằm lấp liếm sai phạm…
Mua sự im lặng
Ngay sau khi những thông tin về việc làm sai trái trong việc chi trả tiền chính sách của xã Kon Thụp được đưa ra ánh sáng, những ngày sau đó, liên tục các đoàn kiểm tra của huyện Mang Yang, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã về xác minh vụ việc. Trong khi đang chờ kết luận của các cuộc kiểm tra, ông Hoàng Mạnh Trường-cán bộ Tư pháp kiêm nhiệm việc chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng chính sách đã đến nhà 3 hộ dân có thân nhân là người có công với cách mạng đã chết để đưa tiền và đề nghị người dân khai báo sai sự thật.
|
Phóng viên làm việc với cán bộ phụ trách tại trụ sở UBND xã. Ảnh: N.G |
Để làm sáng tỏ vấn đề, ngày 17-7, chúng tôi đến gia đình ông Môl, làng Groi (đã chết). Anh Hngênh (con rể ông Môl) cho biết: “Ngay sau khi ông già chết năm 2009, xã cũng đã thu sổ và ngừng cấp tiền chính sách. Mấy hôm trước không biết thế nào có một cán bộ về đưa cho gia đình 3 triệu đồng. Do không biết là tiền gì nên gia đình tôi không sử dụng…”. Để chứng minh những lời mình nói là sự thật, anh Hngênh đã lấy 6 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng/tờ được anh cất kỹ trong tủ đưa ra cho chúng tôi xem.
Cùng ngày, chúng tôi đến làng Pơ Nang để gặp ông Byâk (con trai của ông Anưk) và được ông khẳng định: “Ông già chết từ năm 2009 và xã đã ngưng trợ cấp. Ba hôm trước, cán bộ Trường có đến đưa cho mình 5 triệu đồng và dặn có ai hỏi thì bảo ông già mới chết 2 tháng, tiền mình đã chia cho ba người con. Sau khi đưa 5 triệu đồng, cán bộ Trường lấy sổ trợ cấp về và trưa qua (16-7) mới đem trả lại…”. Khi chúng tôi xin xem và chụp hình lại cuốn sổ, đồng thời đề nghị ông Byâk chỉ cho chúng tôi thời điểm xã ngưng trợ cấp thì được biết, sổ của ông Anưk bị cắt từ tháng 2-2009. Sau khi ông Trường (Hoàng Mạnh Trường) mượn sổ về đã ghi thêm thời gian trợ cấp đến tháng 5-2011. Tương tự, trường hợp của ông Boih, ở làng Pơ Nang cũng được nhận 3 triệu đồng để im lặng.
“Tôi giữ lại hơn 30 triệu”!
Ngày 19-7, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Phi- Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, ông cho biết: “Trước những sai phạm về việc chi trả chính sách tại xã Kon Thụp, UBND huyện đã chỉ đạo xác minh vụ việc. Nhưng trước hết để xảy ra sai phạm này, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp phải chịu phê bình vì thiếu quản lý. Các hộ dân có thân nhân là người có công với cách mạng đã chết nhưng vẫn nhận tiền thì sẽ bị truy thu, còn cán bộ nào dính líu đến tiêu cực tùy theo mức độ để xử lý. Nếu nghiêm trọng sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật. Lê Anh |
Sau khi thu thập đầy đủ những chứng cứ về việc ông Hoàng Mạnh Trường đã chi ra 11 triệu đồng để “mua sự im lặng” của 3 hộ dân, vào lúc 11 giờ 15 phút ngày 17-7, chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Mây-Bí thư Đảng ủy xã, ông Đinh Tú-Chủ tịch UBND xã và bà Đỗ Thị Thanh Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thụp. Dù chúng tôi đề nghị gặp trực tiếp ông Trường trong buổi làm việc nhưng ông vắng mặt vì đang bận lo công tác diễn tập của xã. Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mây-Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Ngay sau khi Báo Gia Lai có bài viết về những việc làm sai của xã, chúng tôi cũng đã cử đoàn kiểm tra do chị Vân phụ trách đi xác minh để báo cáo lên huyện. Qua xác minh, tôi xác định bản chất sự việc xảy ra đúng như Báo nêu, còn tính chất nghiêm trọng đến đâu thì chờ xác minh cụ thể. Chúng tôi cảm ơn Báo Gia Lai đã điều tra vụ việc. Sau khi có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý…”.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì đoàn xác minh do bà Vân cùng ông Hoàng Mạnh Trường, bà Cao Thị Hồng Cẩm (cán bộ phụ trách Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tiếp xúc tại làng Pơ Nang vào đêm 16-7. Trong cuộc tiếp xúc này, đã có ý kiến của cán bộ xã đề nghị người dân khai báo khi có ai hỏi về trường hợp người thân của mình đã chết thì chỉ bảo chết khoảng 2 tháng nay.
Dù không gặp trực tiếp được ông Trường nhưng vào lúc 14 giờ 7 phút ngày 17-7, ông Trường điện thoại cho chúng tôi đã thừa nhận: “Tôi có trả cho 3 hộ ông Anưk, ông Boih và Môl 11 triệu đồng, đó là tiền từ trước giờ người ta chưa nhận… Tổng số tiền tôi mới cộng lại hồi sáng, tôi còn giữ lại khoảng hơn 30 triệu đồng. Tôi làm sai, tôi chịu trách nhiệm và sẽ hoàn trả lại cho Nhà nước”. Ông Trường cũng khẳng định những việc làm này chỉ có mình ông, không hề có ai khác trong bộ máy lãnh đạo của xã tham gia vào.
Việc ông Trường nói còn “giữ lại” hơn 30 triệu đồng có thể là không trung thực, vì chỉ tính riêng các hộ ông Hnônh (đã chết hơn 3 năm), ông Anưk (2 năm), ông Môl (2 năm) và ông Boih (gần 2 năm) chưa kể các hộ khác, số tiền mà ông “giữ lại” chúng tôi nhẩm ra cũng đã vượt con số 50 triệu đồng.